A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

30 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Kim ngạch thương mại tăng trưởng 300 lần

Từ năm 1995 đến năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng trưởng ấn tượng, khoảng 300 lần - từ 450 triệu USD lên gần 150 tỷ USD.

Kim ngạch thương mại tăng trưởng khoảng 300 lần

Ngày 11/7 là một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ khi hai nước kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ. Quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước trong những năm qua có thể được coi là một hành trình hiếm có trong quan hệ quốc tế.

Trải qua 30 năm, quan hệ hai nước không ngừng được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước; hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai; phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Trong 30 năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ

Trong 30 năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ

Đáng chú ý, trong 30 năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc kim ngạch 100 tỷ USD.

Trên thực tế, năm 1995 kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 450 triệu USD, đến năm 2024 tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 150 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ ước tính đạt gần 130 tỷ USD. Như vậy, từ năm 1995 đến 2024, tăng trưởng thương mại hai nước đã tăng khoảng 300 lần.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng tích cực, bao gồm: máy móc, thiết bị điện tử; thiết bị thu âm, thu hình; giày dép; sản phẩm da; túi xách, ví, ô dù; nhựa và sản phẩm nhựa; đồ chơi, trò chơi và dụng cụ thể thao.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đặc biệt là máy bay, thiết bị và phụ tùng; hóa chất; nhựa và sản phẩm nhựa.

Từ năm 1995 đến năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng trưởng ấn tượng, gấp hơn 140 lần - từ 451 triệu USD lên gần 140 tỷ USD.

Từ năm 1995 đến năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng trưởng ấn tượng, gấp hơn 140 lần - từ 451 triệu USD lên gần 140 tỷ USD.

Theo lãnh đạo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho hoạt động sản xuất của Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu gồm bông, thức ăn chăn nuôi, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc và công nghệ. Việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn từ Hoa Kỳ giúp "sạch hóa" chuỗi cung ứng nhờ vào tiêu chuẩn chứng nhận và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của nguyên liệu.

Ngoài ra, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, sản phẩm nông nghiệp phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình gần 7%/ năm, dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho công ty của Hoa Kỳ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực.

Lãnh đạo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cũng nhấn mạnh, hợp tác song phương không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại mà còn mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác, từ an ninh, quốc phòng đến khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân, trong xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

Việt Nam - đối tác đáng tin cậy, có trách nhiệm với Hoa Kỳ

Chia sẻ với báo chí về mối quan hệ đặc biệt, hiếm có này, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là một dấu mốc rất có ý nghĩa. Từ hai cựu thù sau chiến tranh, hai nước đã vượt qua khác biệt để trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Đây có thể nói là một hành trình hiếm có trong quan hệ quốc tế. Đối với Việt Nam, đây là kết quả của đường lối đối ngoại nhất quán: độc lập, tự chủ, đa phương hóa, hội nhập sâu rộng vì hòa bình và phát triển.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển vì hai bên đã xây dựng được lòng tin, chia sẻ lợi ích chiến lược và cùng cam kết hợp tác thực chất. Mối quan hệ này được thể hiện trên 4 khía cạnh:

Thứ nhất, là tầm nhìn và quyết tâm chính trị từ lãnh đạo hai nước.

Thứ hai, là nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền và thể chế chính trị của mỗi bên.

Thứ ba, là nỗ lực chung trong khắc phục hậu quả chiến tranh như tẩy độc, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân da cam, tìm kiếm người mất tích - những việc làm có giá trị nhân đạo sâu sắc.

Thứ tư, là động lực mạnh mẽ từ hợp tác kinh tế - thương mại, với kim ngạch tăng hơn 200 lần trong 30 năm. Điều đó đã đưa Việt Nam trở thành đối tác hàng đầu của Hoa Kỳ tại ASEAN.

Cũng theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, trong thời gian tới, hai nước có thể ưu tiên thúc đẩy hợp tác ở một số lĩnh vực nổi bật. Trước hết là kinh tế, thương mại, đầu tư, với trọng tâm là công nghệ cao, chuỗi cung ứng, nông nghiệp công nghệ và chuyển đổi số. Việt Nam mong muốn trở thành đối tác tin cậy của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không những vậy, hợp tác khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là điểm nhấn mới, đặc biệt trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch và y tế.

Ngoài ra, giáo dục - đào tạo nhân lực chất lượng cao, quốc phòng - an ninh, giao lưu nhân dân và khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ tiếp tục là những trụ cột quan trọng. Đây đều là các lĩnh vực đã được lãnh đạo hai nước xác định rõ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9 năm 2023.

Trong chặng đường tới, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng kỳ vọng, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục được nâng lên tầm cao mới - không chỉ ở chiều rộng hợp tác, mà còn ở chiều sâu hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Điều quan trọng là xây dựng một nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương - nơi người dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, hiểu nhau hơn, học hỏi lẫn nhau, và cùng nhau tạo nên giá trị chung.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục là một đối tác đáng tin cậy, có trách nhiệm, cùng Hoa Kỳ tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực và thế giới.

Năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 149,7 tỷ USD tăng 20,5% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 2,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 136,6 tỷ USD (chiếm 4,18% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tăng 19,3%); nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13,1 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2023. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật