Cần thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, việc liên kết liên vùng trong xúc tiến thương mại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mô hình xúc tiến thương mại không đồng nhất; không đủ cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện cho xúc tiến thương mại.
Tọa đàm với chủ đề “Tận dụng hiệu quả nguồn lực liên kết vùng trong xúc tiến thương mại” |
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 26/8 tại Hà Nội, Tạp chí Công Thương đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Tận dụng hiệu quả nguồn lực liên kết vùng trong xúc tiến thương mại” theo hình thức trực tuyến.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nhân lực thiếu, tính liên kết trong hoạt động giữa cơ quan xúc tiến thương mại Trung ương và địa phương vẫn còn lỏng lẻo… khiến hoạt động này chưa thật sự đạt được hiệu quả lớn. Do vậy, tới đây Bộ Công Thương sẽ tổ chức thêm nhiều đoàn công tác tham gia xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, tạo tiền đề cho xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm.
Vì vậy, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, đối với xúc tiến thương mại, Chính phủ và Bộ Công Thương đã đưa ra rất nhiều những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc thúc đẩy liên kết vùng bằng cách đưa ra những quy hoạch về phát triển các vùng kinh tế, thành lập các Tổ Điều phối về liên kết vùng…
Là một trong những doanh nghiệp đã phát huy lợi thế vùng chè đặc sản Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), bà Nguyễn Thị Hương Vân - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Hương Vân Trà chia sẻ, để hợp tác xã có thể đưa những sản phẩm ra thị trường, việc liên kết vùng là quan trọng nhất, liên kết với bà con để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng. Để có được bước tiến tiếp theo và phát triển, bà Nguyễn Thị Hương Vân chỉ rõ, nếu không liên kết sẽ không bao giờ đi xa được. Hơn nữa, một sân chơi thương mại rất cần cơ sở vật chất tốt bởi vì khi tập hợp được tất cả những sản phẩm cần những trung tâm thương mại quy mô lớn để đưa sản phẩm của tỉnh cũng như các tỉnh khác liên kết với nhau. Đây là điều thuận lợi nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách hàng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cũng cho hay, việc liên kết vùng ở tỉnh mới thực hiện được ở trong khu vực 6 tỉnh phía Bắc. Những năm qua, nhất là năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương Bắc Kạn đã làm khá tốt, nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hợp tác xã, chủ thể có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tiếp xúc thông qua kết nối của ngành công thương giữa tỉnh này với tỉnh kia để tìm hiểu và trao đổi sản phẩm hàng hóa, qua đó tạo sự kết nối với nhau trong tiêu thụ mặt hàng.
Theo ông Đinh Lâm Sáng, tới đây tỉnh sẽ xúc tiến một số mặt hàng đạt tiêu chuẩn cấp cao sang một số địa bàn khác và thị trường một số nước gần đây để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đủ điều kiện có thể xuất khẩu sản phẩm, tăng giá trị lợi nhuận về cho bản thân chủ thể cũng như địa phương.
Thế nhưng, muốn tận dụng được tối đa lợi thế liên kết vùng, ông Đinh Lâm Sáng cho rằng, các cơ sở sản xuất ở địa phương phải xây dựng được mạng lưới liên kết và thiết lập, duy trì các mối quan hệ đối tác, cơ quan quản lý trong vùng tham gia vào sự kiện, hội thảo để mở rộng thêm mạng lưới kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác và chia sẻ nguồn lực hợp tác với các cơ sở sản xuất khu vực; tận dụng được những chính sách của các chương trình cần phải nắm bắt được các chính sách, chương trình hỗ trợ của Chính phủ, của các cơ quan liên quan cùng các hỗ trợ về mặt tài chính và đào tạo để tiếp cận thị trường. Ngoài ra, việc xây dựng và thực hiện được chiến lược marketing hiệu quả mới quảng bá được sản phẩm hàng hóa ổn định, mang tính lâu dài; theo dõi và phân tích về xu hướng thị trường nhằm chọn được những phương án thích ứng phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Bộ Công Thương trong giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào liên kết vùng một cách hiệu quả. Cụ thể, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình thương hiệu quốc gia, chương trình phát triển thương hiệu trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm… Những chương trình này đặt ưu tiên để địa phương cùng ngồi bàn thảo, tìm ra và hợp tác để thực hiện hoạt động có quy mô tham gia từ tối thiểu 2 địa phương trở lên và của một số những ngành hàng trọng điểm, chủ lực có thế mạnh nhất định của từng địa phương. Với những chính sách ưu tiên tập trung trọng tâm, trọng điểm trong việc tăng cường hoạt động có quy mô lớn và tính liên kết cao hơn sẽ là một trong những hướng đi chủ đạo trong thời gian tới.
Tuy nhiên, mô hình hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại trên cả nước hiện nay không có sự đồng nhất, khiến tính chất liên kết, hợp tác việc điều phối những công việc chung gặp nhiều bất cập. Cùng đó, chưa có cơ sở hạ tầng để giúp cho việc tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại ở quy mô lớn. Đặc biệt việc đào tạo, hướng dẫn nâng cao năng lực cho cho doanh nghiệp, nâng cao dân trí vẫn còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch cùng với các địa phương để xúc tiến thương mại quy mô hơn, tổ chức đi khảo sát thị trường những đoàn lớn hơn, mang nhiều sản phẩm giá trị hơn đến với thị trường nước ngoài. Điều này giúp xúc tiến thương mại mang tính chất là quy mô lớn, tạo nên hiệu ứng truyền thông cao hơn cho doanh nghiệp. Đó sẽ là một trong những hoạt động trọng tâm trong hỗ trợ xúc tiến thương mại liên kết vùng mà Bộ Công Thương sẽ thực hiện trong năm 2025.