A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mã số vùng trồng – Tấm vé thông giúp nông sản Việt Nam xuất khẩu thuận lợi

Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc truy xuất nguồn gốc nông sản. Cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

“Hộ chiếu” cho nông sản xuất khẩu

Những năm qua, với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa dần phát triển, nhiều vùng sản xuất tập trung được hình thành, tạo ra nguồn nông sản dồi dào không chỉ đáp ứng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh mà còn hướng đến xuất khẩu.

Do đó, để tạo thuận lợi cho hàng hóa nông sản, đặc biệt là trái cây tươi “xuất ngoại”, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng và coi đây là “hộ chiếu” để đưa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Tại tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, nhất là hỗ trợ nông dân thực hiện cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương.

Sau hơn 4 năm đàm phán, Việt Nam vừa chính thức xuất khẩu chính ngạch lô sầu riêng đầu tiên vào thị trường Trung Quốc sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đợt đánh giá này, 100% vùng trồng và cơ sở đóng gói của Đồng Nai đăng ký tham gia đều đạt chuẩn và được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 7 mã số vùng trồng sầu riêng với quy mô 533ha được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Mã số vùng trồng – Tấm vé thông giúp nông sản Việt Nam xuất khẩu thuận lợi
Các địa phương đang tập trung khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng và coi đây là “hộ chiếu” để đưa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ra thị trường quốc tế

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm 73 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 6.448ha. Trong đó, có 22 mã số vùng trồng cho cây bưởi với diện tích gần 1,7 ngàn ha; 21 mã vùng trồng sầu riêng với hơn 1,5 ngàn ha; 7 mã số vùng trồng chuối diện tích hơn 1,5 ngàn ha; 4 mã số vùng trồng thanh long diện tích 460ha…

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu cho những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã có 7 mã số vùng trồng sầu riêng và đang tập trung giám sát, hoàn thiện hồ sơ trình công nhận mới 12 mã vùng trồng chuối, sầu riêng xuất khẩu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 120 mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand… với tổng diện tích hơn 24 ngàn ha.

Giám đốc Hợp tác xã Xoài Suối Lớn (Huyện Xuân Lộc) Nguyễn Thế Bảo cho biết: Hợp tác xã Xoài Suối Lớn là một trong những đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh thực hiện cấp mã số vùng trồng. Tham gia chương trình, nông dân được hỗ trợ rất nhiều, nhất là về kinh phí thực hiện. Có mã số vùng trồng, thương hiệu trái xoài Suối Lớn cũng được cả thị trường nội địa và xuất khẩu nhận biết tốt hơn. Hiện trái xoài Suối Lớn đã đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước, trong đó có những thị trường khó tính.

Còn tại tỉnh KonTum, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trồng trọt triển khai đăng ký, xây dựng quy trình sản xuất để được cấp mã số vùng trồng. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, đôn đốc bà con ghi chép đầy đủ thông tin, quá trình chăm sóc, thu hoạch vào sổ nông hộ; Khuyến cáo người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 6 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp cho các sản phẩm trái cây. Trong đó, có 3 mã số vùng trồng chuối tiêu hồng của Hợp tác xã Thương mại và dịch vụ Bắc Tây Nguyên Farm với diện tích 38,2ha; 3 mã số vùng trồng mít Thái với diện tích 103ha của Công ty TNHH Sản xuất, chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (huyện Đăk Hà) để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu.

Từng bước đưa hàng hóa nông sản của Việt Nam “vươn xa”

Có thể thấy rằng, việc được cấp mã số vùng trồng sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, việc triển khai mã số vùng trồng trên địa bàn một số tỉnh, thành cũng gặp một số khó khăn nhất định, bởi đây là lĩnh vực mới đối với cơ quan quản lý và tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản phục vụ xuất khẩu, nên quá trình triển khai ít nhiều còn lúng túng.

Tiêu chuẩn về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng đòi hỏi quy mô, diện tích tối thiểu 10ha cho chủ yếu một loại cây ăn quả gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng. Mặt khác, người dân và các địa phương chưa hiểu rõ những lợi ích mã số vùng trồng mang lại nên chưa chú trọng xây dựng liên kết để tạo thành vùng nguyên liệu tập trung.

Mã số vùng trồng – Tấm vé thông giúp nông sản Việt Nam xuất khẩu thuận lợi
Việc được cấp mã số vùng trồng sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản

Để có nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất được cấp mã số vùng trồng nhằm đưa hàng hóa nông sản của Việt Nam “vươn xa”, hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời, các địa phương cũng vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất xây dựng các “cánh đồng lớn”, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GloballGap và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.

Có thể thấy, mã số vùng trồng góp phần quan trọng trong tạo dựng niềm tin và khẳng định uy tín của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc xây dựng mã số vùng trồng giúp thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương về sản xuất nông nghiệp, hướng đến mở rộng về quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp phát triển trong tương lai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan