A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau lúa mì, Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu đường

Ấn Độ tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu đường như một cách để bảo vệ nguồn cung thực phẩm trong nước.

Tờ Bloomberg vừa đưa tin, Ấn Độ tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu đường như một cách để bảo vệ nguồn cung thực phẩm trong nước. Động thái trên được diễn ra chỉ 1 tuần sau khi quốc gia tỷ dân này ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì. 

Theo đó, lượng đường xuất khẩu dự kiến bị giới hạn ở mức 10 triệu tấn, từ nay đến tháng 9 năm sau nhằm đảm bảo kho dự trữ nội địa trước khi vụ mùa tiếp theo bắt đầu. Đây cũng chính là cách để chính phủ Ấn Độ kiểm soát giá cả và bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang đe doạ an ninh lương thực Ấn Độ và các nước láng giềng dễ bị tổn thương. Thông tin chính thức có thể được công bố trong những ngày tới.

Được biết Ấn Độ là nhà xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil, hồi năm 2021. Các nước nhập khẩu hàng đầu từ Ấn Độ bao gồm Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Dubai. 

Theo các chuyên gia, việc Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu đường được cho là khá thận trọng, bởi nguồn cung trong nước vẫn khá dồi dào. Theo Hiệp hội Các nhà máy Đường Ấn Độ, nước này dự kiến sản xuất 35 triệu tấn, đồng thời tiêu thụ 27 triệu tấn đường trong vụ mùa hiện tại. Nếu tính gộp cả kho dự trữ từ mùa trước, quốc gia này hiện dư 16 triệu tấn, trong đó 10 triệu tấn dành cho xuất khẩu.

Sau lúa mì, Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu đường - Ảnh 1.

Ấn Độ tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu đường như một cách để bảo vệ nguồn cung thực phẩm trong nước

Được biết xuất khẩu đường tại Ấn Độ đã đạt kỷ lục 7,2 triệu tấn hồi năm ngoái, chủ yếu được thúc đẩy nhờ trợ cấp của chính phủ. Năm nay, lượng đường xuất khẩu dự kiến đạt từ 9 triệu đến 11 triệu tấn, trong đó, 8,5 triệu tấn đường đã được cam kết xuất khẩu từ 1/10 năm ngoái. 

“Một số thị trường kỳ vọng có thể nhập khẩu 11 triệu tấn đường, vì vậy việc Ấn Độ áp mức 10 triệu tấn sẽ khiến kỳ vọng trên bị giới hạn’’, Michael McDougall, Giám đốc điều hành công ty Paragon Global Markets LLC cho biết.

Theo Bloomberg, việc áp hạn ngạch có thể sẽ tác động đáng kể đến thị trường đường toàn cầu, do Ấn Độ là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn của thế giới. Trước đó, quốc gia tỷ dân này cũng bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh đợt nắng nóng kéo dài khiến sản lượng hoa màu sụt giảm và đẩy giá mặt hàng này tăng cao phi mã. 

Quyết định trên khiến nhiều chuyên gia kinh tế không khỏi lo lắng, bởi đa số các nước nhập khẩu hiện nay đều tin tưởng Ấn Độ, quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, trong việc đảm bảo nguồn cung hậu xung đột Nga-Ukraine. Họ sợ rằng lệnh cấm này sẽ sớm đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức đỉnh mới và ảnh hưởng rất nhiều đến những người tiêu dùng thu nhập thấp tại châu Á và châu Phi.

Sau lúa mì, Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu đường - Ảnh 2.

Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh đợt nắng nóng kéo dài khiến sản lượng hoa màu sụt giảm

"Lệnh cấm này thực sự gây sốc. Chúng tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ hạn chế xuất khẩu sau 2 hoặc 3 tháng nữa cơ, nhưng có lẽ lạm phát đã khiến chính phủ thay đổi ý định", đại diện một công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai cho biết.

Theo CNBC, lạm phát Ấn Độ trong tháng 4 lên đã chạm mức cao nhất trong 8 năm. Giá lúa mì cũng tăng phi mã, thậm chí tại một số thị trường giao ngay đã lên tới 25.000 Rupee/tấn (465 USD/tấn). 

"Lệnh cấm của Ấn Độ sẽ nâng giá lúa mì toàn cầu, bởi ngoài Ấn Độ, hiện không có nhà cung cấp lớn nào khác trên thị trường", CNBC trích lời một chuyên gia kinh tế cho biết.

Theo: Bloomberg


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật