Tiết lộ thời điểm tiềm năng Việt Nam và EU nâng cấp quan hệ
Thông tin được Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas đưa ra trong chuyến thăm tới Việt Nam (20/10 - 23/10).
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 22/10, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - ông Margaritis Schinas khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy, có vai trò đặc biệt đối với EU trong khu vực.
"Quan hệ hợp tác EU-Việt Nam được coi là hình mẫu câu chuyện thành công khi Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của EU tại Đông Nam Á với kim ngạch thương mại song phương tăng 40% trong 4 năm qua,” ông chia sẻ.
Dựa trên những thành quả đó, hai bên có dư địa to lớn để nâng tầm mối quan hệ hợp tác hiện nay lên Đối tác chiến lược toàn diện, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nói.
Thời điểm tiềm năng
Chia sẻ về thời điểm tiềm năng để hai bên tiến đến dấu mốc mới này, ông Margaritis Schinas tiết lộ, chuyến thăm chính thức Việt Nam dự kiến vào tháng 4/2025 của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen có thể phù hợp. Mặt khác, năm 2025 cũng là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - EU.
"Các yếu tố nền tảng đều đã chín muồi,” Phó Chủ tịch EC cho biết.
Trong bầu không khí tích cực, ông Margaritis Schinas chia sẻ, không chỉ từ phía chính phủ hai bên mà còn được ghi nhận từ phía doanh nghiệp, thanh niên Việt Nam, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, sự kiện giáo dục hay hỗ trợ cho các nạn nhân bão Yagi vừa qua. "Các bên có đánh giá triển vọng rất cao cho việc này,” ông cho biết.
Phó Chủ tịch EC cũng nhận định, Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện đáng kể trong nỗ lực xử lý vấn đề còn khúc mắc như tình trạng Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để tiến tới được gỡ bỏ "thẻ vàng". Hệ thống pháp lý đã có tiến triển, vấn đề còn lại là giám sát thực thi và có chế tài hợp lý để giải quyết. "Chúng ta đang đi đúng hướng,” ông nói.
Mặt khác, EVFTA là câu chuyện thành công lớn, nhưng còn một số vướng mắc trong ngành công nghiệp ô tô, vấn đề cấp phép kiểm dịch nông nghiệp, cần sự nỗ lực của hai bên để tiến tới tạo điều kiện nâng cấp mối quan hệ lên một tầm cao mới.
Ba lĩnh vực then chốt
Theo Phó Chủ tịch EC, một khi dấu mốc này được hiện thực hóa, có 3 lĩnh vực sẽ chứng kiến sự tăng cường hợp tác và hưởng lợi đáng kể.
Thứ nhất là tăng trưởng xanh. Nhiều doanh nghiệp EU ghi nhận việc đầu tư tại Việt Nam mang lại lợi ích không chỉ kinh tế mà giảm thiếu tác hại về môi trường. EU sẽ tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt với công cụ mới - sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) theo đó tạo điều kiện huy động tài chính từ khu vực công và tư nhân để phát triển kinh tế xanh.
Thứ hai là vấn đề mà cả EU và Việt Nam đang rất quan tâm - ứng phó biến đổi khí hậu. Các nước thành viên EU sẽ tiếp tục phối hợp triển khai sáng kiến quan trọng trong lĩnh vực này, cũng như phát triển năng lượng tái tạo, trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Thứ ba là lĩnh vực giáo dục, đào tạo kĩ năng, trao đổi nghiên cứu. Việc nâng cấp quan hệ sẽ tạo điều kiện cho thanh niên trẻ Việt Nam có cơ hội tiếp tục đào sâu nghiên cứu, học tập thông qua các chương trình tại các cơ sở đào tạo tại EU, ví dụ như Erasmus+ (Chương trình của Liên minh châu Âu nhằm tăng cường hợp tác và chuyển dịch trong giáo dục, đào tạo, giới trẻ và thể thao).