Chung cư tăng giá gần tỉ đồng, chủ nhà không muốn chốt lời
Nguồn cung khan hiếm kéo dài khiến giá chung cư Hà Nội liên tục được đẩy lên ngưỡng cao. Nhiều chủ nhà lãi cả tỉ đồng sau vài năm mua chung cư nhưng vẫn không muốn bán chốt lời.
Chủ nhà không muốn chốt lời
Trong thời gian qua, thị trường bất động sản đối mặt rất nhiều khó khăn. Nhiều phân khúc của thị trường rơi cảnh đóng băng, mất thanh khoản. Bất chấp thách thức chung của thị trường, phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, đặc biệt là căn hộ chung cư lại đón sóng tăng trưởng, duy trì đà tăng xuyên suốt quãng thời gian thị trường gặp khó.
Anh Nguyễn Viết Khang (quê Nam Định) mua một căn hộ chung cư 3 phòng ngủ ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) từ năm 2018 với giá hơn 7 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, căn hộ đã tăng giá gần 1 tỉ đồng và được nhiều người hỏi mua với giá hơn 8 tỉ đồng. Tuy nhiên, anh Khang vẫn không muốn bán chốt lời.
"Trước đây khi mua chung cư, có nhiều người khuyên không nên mua vì sau khi ở một thời gian dài sẽ bị rớt giá, giảm giá trị khi tuổi thọ tăng. Tuy nhiên, vì mục đích chính mua để ở, không đầu tư nên tôi vẫn quyết định lựa chọn chung cư. Sau khi ở được hơn 6 năm, mặt bằng chung cư ở Hà Nội liên tục tăng giá, căn hộ của tôi không ngoại lệ. Nhiều môi giới cũng báo giá cao nhưng tôi vẫn không muốn bán" - anh Khang cho hay.
Nguyên nhân "sốt nóng" chủ yếu là nguồn cung khan hiếm
Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong những năm qua, bình quân mỗi năm, giá căn hộ tăng trưởng hai chữ số. Riêng năm 2023, tính đến cuối năm, chỉ số giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng 16 điểm phần trăm so với hồi đầu năm.
Tại khu vực TPHCM, chỉ số này cũng đã bước vào chu kỳ tăng trưởng trở lại kể từ quý III/2023, nhờ đà giảm giá chậm dần ở các dự án cao cấp, hạng sang trên thị trường thứ cấp. Đà tăng này khiến đầu tư căn hộ đang trở thành lựa chọn của nhiều nhà đầu tư.
Theo nghiên cứu của VARS, giá bán sơ cấp căn hộ trung bình trên cả nước đang ở mức cao do các sản phẩm được tung ra thị trường đều có giá trên 40 triệu đồng/m2. Thị trường vắng bóng hoàn toàn các dự án bình dân, giá rẻ có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2. Như vậy, mặt bằng giá mới ở tất cả phân khúc giá của chung cư, từ bình dân, trung cấp đến cao cấp đã và đang được thiết lập lại.
Theo TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá chung cư Hà Nội thị trường sơ cấp liên tục tăng cao do giai đoạn này có rất ít chủ đầu tư có dự án. Các chủ đầu tư có nguồn cung giai đoạn này hầu hết là các chủ đầu tư lớn, không gặp khó khăn về tài chính nên giá chào bán ở mức cao để thu hồi tối đa lợi nhuận. Giá chung cư Hà Nội ở thị trường sơ cấp trung bình là 51,7 triệu đồng/m2.
Cũng theo ông Đính, mặt bằng giá sơ cấp khó giảm do chi phí đầu vào (chỉ số nhà ở và giá vật liệu xây dựng mỗi năm tăng khoảng 6%). Cùng với đó, lạm phát, lãi suất ngày càng tăng cao. Ngoài ra, số lượng dự án nhà ở thương mại được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm, quỹ đất tại các khu vực trung tâm cũng không còn nhiều.
Giới chuyên gia bất động sản cũng nhận định, nguyên nhân tăng giá căn hộ thời gian gần đây là do nguồn cung phân khúc này tiếp tục khan hiếm. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay và cả gửi tiết kiệm đang thấp khiến thị trường căn hộ chung cư có hiện tượng "sốt nóng".
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, giá căn hộ chung cư tại nhiều dự án đã tăng gần 80% trong 4 năm qua. Thủ tục pháp lý phức tạp, các vướng mắc không được tháo gỡ nên dẫn đến tắc nguồn cung. Tình trạng này còn tiếp diễn thì giá căn hộ chung cư sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Muốn chữa “căn bệnh” tăng giá của thị trường bất động sản thì phải tăng nguồn cung, tức là tháo gỡ pháp lý.