A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải quyết 3 điểm nghẽn chính để thúc đẩy thị trường bất động sản

Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực giải quyết 3 nút thắt lớn nhất trên thị trường bất động sản nhà ở và đã xuất hiện những kết quả tích cực. Nhưng tới thời điểm hiện tại, áp lực dòng tiền đối với nhiều doanh nghiệp và cả thị trường bất động sản vẫn chưa vơi.

Giải quyết 3 điểm nghẽn chính để thúc đẩy thị trường bất động sản

Việc tìm ra các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển thị trường bất động sản là rất cần thiết. Ảnh: Hải Nguyễn

Doanh nghiệp gặp khó

Ngay khi có thông tin gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỉ đồng với mức lãi suất ưu đãi dành cho các chủ đầu tư, Công ty Bất động sản Lan Hưng đã làm hồ sơ vay vốn xây dựng 8 dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa dự án nào được chấp thuận.

Nguyên nhân chính được đưa ra là các ngân hàng không mặn mà với các gói hỗ trợ này vì thấp hơn 1,5 - 2%/năm so với lãi suất bình quân trên thị trường khiến giảm lợi nhuận. Thủ tục hồ sơ cũng mất nhiều thời gian trong khi các chủ đầu tư nhà ở xã hội đã được thẩm định, chứng minh năng lực tài chính.

"Ngân hàng cùng tham gia với doanh nghiệp để giải quyết vấn đề về quỹ đất, giải phóng mặt bằng" - ông Phạm Văn Thao - Phó Giám đốc Dự án nhà ở xã hội Lan Hưng, tỉnh Bắc Ninh - nói.

Ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera - cho biết: "Gói lãi suất 120.000 tỉ đồng yêu cầu nhiều điều kiện, cộng với lãi suất còn cao".

Việc tìm ra các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển thị trường bất động sản là rất cần thiết. Ảnh: Anh Kiệt

Việc tìm ra các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển thị trường bất động sản là rất cần thiết. Ảnh: Anh Kiệt

Tìm các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn

Trao đổi với Lao Động, ông Đinh Quang Hinh và đội ngũ phân tích từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, hiện vẫn cần có nhiều biện pháp hơn nữa để cải thiện nhu cầu và tâm lý thị trường.

Có 3 điểm nghẽn chính của thị trường lúc này. Thứ nhất là kênh dẫn vốn, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể từ vùng đỉnh, tuy nhiên lại chưa đủ hấp dẫn đối với người mua nhà nói chung. Thứ hai là vấn đề pháp lý, chính quyền địa phương đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua vào tháng 11.2023, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua vào tháng 1.2024. Thứ ba là cân bằng lại cán cân cung cầu trên thị trường, Chính phủ đã đặt mục tiêu sẽ xây ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030.

TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, tới thời điểm hiện tại, áp lực dòng tiền đối với nhiều doanh nghiệp và cả thị trường bất động sản vẫn chưa vơi. Các doanh nghiệp bất động sản có đặc trưng là vốn chủ sở hữu mỏng, hoạt động kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào vốn vay, khi huy động vốn gặp khó khăn, doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn ngay lập tức. Chính vì vậy, việc tìm ra các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển thị trường bất động sản là rất cần thiết.

Theo ông, cần quyết liệt tập trung gỡ vướng cho các doanh nghiệp về mặt pháp lý. Sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2025 để tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án ách tắc tái khởi động, tạo cơ sở để cơ quan quản lý địa phương phê duyệt dự án mới. Từ đó các dự án được khởi công, thúc đẩy thanh khoản và hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp có nguồn thu.

"Cần nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho phân khúc nhà ở bình dân, với mục tiêu chính là khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển. Việc phát hành trái phiếu có gắn quyền mua bất động sản sẽ giúp doanh nghiệp vừa huy động vốn vừa tiêu thụ được sản phẩm của mình. Vì vậy cần có cơ chế để cải thiện minh bạch thông tin và đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp” - TS Nguyễn Văn Đính kiến nghị.

Rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp

Trong cuộc họp về Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp.

Riêng chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, NHTM cần chủ động cập nhật danh mục dự án nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện tham gia chương trình do UBND tỉnh, thành phố công bố. Thường xuyên rà soát, đánh giá để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Không chỉ doanh nghiệp bất động sản gặp khó

Ông Nguyễn Hồ Nguyên - Tổng Giám đốc Lenger Seafoods Việt Nam - chia sẻ: “Điều đơn vị chúng tôi cần là nguồn vốn lớn trung và dài hạn để có thể đầu tư mở rộng sản xuất và tăng trưởng hơn nữa. Tuy nhiên, do công ty chúng tôi là công ty 100% vốn nước ngoài, hiện tại đang thuê đất nên khi muốn vay các khoản trung và dài hạn, công ty không thể dùng đất để là tài sản đảm bảo. Trong khi nguồn vốn tín dụng hiện nay đang chủ yếu hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi rất cần nguồn vốn để mở rộng nhà máy và làm trại giống, phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, nuôi ngao trên bờ theo công nghệ cao". Minh Ánh ghi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan