A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giới đầu tư Trung Quốc tìm đến Đông Nam Á mua bất động sản

Các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng ưa thích thị trường bất động sản thương mại ở Đông Nam Á.

Giới đầu tư Trung Quốc tìm đến Đông Nam Á mua bất động sản

Indonesia đang là điểm đến hàng đầu của giới đầu tư bất động sản Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

SCMP đưa tin, theo một báo cáo của công ty công nghệ bất động sản Juwai IQI, thị trường bất động sản thương mại ở Đông Nam Á đang trở nên phổ biến hơn với các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục khi những rạn nứt chính trị và lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của các mục tiêu truyền thống được yêu thích như Australia và Mỹ.

Theo bảng xếp hạng của công ty công nghệ bất động sản Juwai IQI dựa trên yêu cầu từ các bên quan tâm, Indonesia hiện là điểm đến số 1 của giới đầu tư bất động sản Trung Quốc, Malaysia ở vị trí thứ 3 và Thái Lan ở vị trí thứ 5.

Năm 2022, Indonesia và Malaysia lần lượt ở vị trí thứ 4 và thứ 5, trong khi Thái Lan thậm chí không có mặt trong top 5.

Ngược lại, Mỹ - điểm đến đầu tư ưa thích vào năm ngoái - đã không lọt vào top 5, trong khi Australia tụt xuống vị trí thứ 4 từ vị trí thứ 2 trong năm 2022.

Báo cáo cho biết: “Các nhà đầu tư coi Đông Nam Á là một điểm đến hấp dẫn vì quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia này đang phát triển, trong khi quan hệ với Mỹ đang suy giảm. Nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Đông Nam Á mang lại cơ hội về đất đai, cơ sở du lịch, khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp và hậu cần có thể phát triển được”.

Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ba nền kinh tế Đông Nam Á nói trên sẽ tăng trưởng từ 3,4% đến 5% trong năm nay.

IMF cho biết, cả Mỹ và Australia đều được cho là chỉ tăng trưởng 1,6% trong năm 2023.

Lãi suất ở Mỹ và Australia hiện ở mức tương ứng là 5,25% và 4,1%, trong khi lãi suất của Indonesia, Malaysia và Thái Lan dao động từ 2% đến 5,75%.

Juwai IQI cho biết, triển vọng tăng trưởng tốt hơn ở các quốc gia Đông Nam Á giúp các nhà đầu tư có thêm động lực để bỏ tiền vào đó.

Báo cáo cho biết thêm, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang bị cản trở bởi các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt của Bắc Kinh và điều này mang lại “lợi thế hơn nữa cho các nước Đông Nam Á vì các nhà đầu tư nhận thấy việc xin phép các dự án ở những điểm đến này dễ dàng hơn”.

Mối quan hệ của Washington và Bắc Kinh đã trở nên tồi tệ trong vài năm qua với các tranh chấp về thương mại, công nghệ và thậm chí cả yêu sách lãnh thổ ở châu Á.

Mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh cũng không khá hơn là bao, với những rạn nứt về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và các lệnh cấm thương mại gây ra bất hòa.

Bất động sản thương mại của Đông Nam Á có thể sẽ tiếp tục được ưa chuộng ngay cả khi Mỹ và Australia rút lại chính sách thắt chặt tiền tệ.

Kashif Ansari, đồng sáng lập và CEO của tập đoàn Juwai IQI cho biết: “Không chỉ lãi suất đang làm giảm đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản thương mại của Mỹ, mà suy giảm cấu trúc cũng đã diễn ra từ năm 2018. Điều này liên quan đến các ưu tiên của chính phủ Trung Quốc về hướng đầu tư ra nước ngoài. Nó cũng liên quan đến việc các nhà đầu tư hết sức thận trọng và tránh các thị trường nơi căng thẳng chính trị trong tương lai có thể khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn”.

Do vậy, cuối cùng, các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục lại có xu hướng mua bất động sản thương mại trong nước cũng như ở Hong Kong và Singapore.

Theo dữ liệu của JLL Capital Markets, trong ba tháng đầu năm, giới đầu tư đại lục đã chi khoảng 4,4 tỉ USD mua bất động sản trong nước, vượt xa con số 500 triệu USD đầu tư ở nước ngoài.

Ada Choi, trưởng bộ phận nghiên cứu khách thuê khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE, cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục hiện hướng nội nhiều hơn vào thị trường trong nước và chỉ xem xét một số thị trường như Singapore khi họ ra nước ngoài.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan