Mong ước có nhà ở Hà Nội, 9X tỉnh lẻ vừa học đại học vừa tập tành kinh doanh: 22 tuổi mua xe, tậu nhà tiền tỷ, đủ tiền nhưng vẫn trả góp vì 1 lý do
"Lúc mua nhà, mình đã có đủ tiền để chi trả. Tuy nhiên, vì muốn để tiền đó làm vốn kinh doanh, làm ăn cũng như tạo động lực cho chồng nên mình vẫn mua trả góp", chị Thảo chia sẻ.
Ngày còn là sinh viên, trong một lần đến thăm người dì ở khu Thanh Xuân và ở lại chơi mấy ngày, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (1995, Phú Thọ) đã đặt quyết tâm phải tậu được một căn nhà ở Hà Nội để có 1 nơi đầy đủ, tiện nghi để trở về, không phải đi thuê nhà ở ký túc xá nữa.
Vừa học, chị Thảo vừa tập thành kinh doanh. Cuộc sống sinh viên sáng đi học, chiều đi ship hàng cho khách cứ thế nuôi lớn khát vọng mua nhà trong con người chị. Bên cạnh việc buôn bán, chị Thảo cũng đặt mục tiêu sống tiết kiệm: "thức ăn được gửi từ quê lên, mình cũng tự nấu, nên tiền có khi chỉ để đi xe khách về quê vào cuối tuần. Mình không thuộc tuýp người sành điệu nên ít dùng mỹ phẩm, chỉ dùng son, quần áo mua cũng chỉ đủ để mặc. Tiền mình có thì mình cứ tích vào đấy. Ngày trẻ chưa có kiến thức đầu tư chứng khoán, bất động sản nên mình tiêu vào những thứ mình cần và muốn trước đã.
Năm 22 tuổi, chị đã tậu được con xe i10 485 triệu đầu tiên cho mình. Theo chị tiết lộ, đây cũng là tài sản đầu tiên mà chị Thảo đứng tên: "Ngày ấy sinh viên năm cuối, có xe đi, nghĩ lại mà cũng oách phết, mỗi tội vì mưu sinh bươn chải, nên nhìn mình già hơn so với tuổi... đến khách hàng lâu năm cũng tưởng mình có chồng rồi."
Đến cuối năm 2017, cặp đôi bắt đầu nhận nhà và trả theo tiến độ. Chị Thảo bộc bạch: "Vì bố mình mất sớm, mẹ cũng vất vả nên cũng không giúp được gì, tất cả đều là hai vợ chồng tự lo". Chị kể ngày đấy việc kinh doanh thuận lợi, nền tảng Facebook đang phát triển nên thu nhập đến từ 2 cửa hàng của chị khá lớn. Thời điểm ấy nếu tính đến những rủi ro trong kinh doanh thì thu nhập hàng tháng của chồng chị lúc đó tầm khoảng 30 triệu/tháng vẫn đủ để trả lãi cho căn hộ.
Thời điểm bàn giao nhà xong cũng là lúc hai vợ chồng chị Thảo đã trả hết tiền. Được biết, hai vợ chồng chị có vay ngân hàng 200 triệu, mỗi tháng trả 5 triệu: "Ngày ấy lần đầu tiên va chạm với ngân hàng, tưởng tính lãi suất thấp. Hóa ra có lãi phạt mất 8 triệu nữa." Sau 1 năm, số nợ đã được trả hết.
Điều đặc biệt được chị Thảo tiết lộ chính là, thời điểm quyết định mua nhà, chị đã có đủ tiền để chi trả, song vẫn quyết định mua nhà trả góp bởi muốn dành tiền làm ăn và tạo động lực cho chồng cố gắng:
"Thực ra lúc đó mình có tầm hơn 1 tỷ trong tài khoản nữa( bạn trai mình không biết đâu) vì mình không chia sẻ tài chính cá nhân cho ai hết. Mình có thể trả hết ngay được nhưng mình muốn để số tiền đó làm vốn kinh doanh, làm ăn cũng như để đó làm động lực cho bạn trai mình trả nợ nữa."
Sau nhiều năm gắn bó và nỗ lực cùng nhau, năm 2018, chị Thảo và chồng tổ chức đám cưới. Theo chia sẻ, chồng chị Thảo làm ngân hàng và là người rất có chí. Lúc đó, công việc của cả hai đều đã ổn định và thuận lợi nên quyết định về chung một nhà.
Do có sự đồng điệu về sở thích, chị Thảo và chồng đều chọn thiết kế theo phong cách đơn giản, sử dụng tone nâu trắng làm màu sắc chủ đạo cho ngôi nhà. Tone màu này làm căn hộ toát lên sự sang trọng, vừa tỏa ra sự ấm cúng phù hợp với không gian gia đình.
Về nội thất, chị Thảo tiết lộ hai vợ chồng cũng đầu tư "kha khá" khi sắm sửa những đồ dùng cao cấp cho gia đình như khoá cửa vân tay 15 triệu, tủ lạnh 25 triệu, điều hoà đời cao nhất...Chia sẻ về kinh nghiệm mua đồ dùng cho gia đình, chị Thảo cho biết đồ điện tử dùng rất bền, nếu chia ra theo khấu hao thì rất là rẻ.
"Nếu mà chúng ta tiêu lãng phí 200-300k hoặc 1-2 triệu thì chẳng bao giờ có được tiền cả. Tích tiểu thì sẽ thành đại, phải có vài chục triệu, vài trăm triệu rồi mới có vài tỷ và hơn thế nữa được."
Gia đình nhỏ hạnh phúc của chị Thảo.
Về việc giới trẻ có nên đầu tư liều lĩnh vào bất động sản hay không, chị Thảo nêu rõ quan điểm của mình là có và giải thích: "Vì nó là tài sản, tài sản thì ko thể mất và có thể tăng giá... Đó cũng là động lực để thúc đẩy bản thân chúng ta cố gắng, hoàn thành những khoản vay. Nếu bạn chờ đủ tiền mới mua thì có thể nó đã tăng giá."
Hiện tại, khi giấc mơ ngày xưa đã trở thành hiện thực, có nhà, có xe, có tổ ấm hạnh phúc riêng cho mình, chị Thảo nhớ nhìn lại ngôi nhà mơ ước của bản thân và bùi ngùi chia sẻ: "Tuy nhà không to nhưng nó chính là sức lao động, là thành quả và đâu đó có thêm cả sức mạnh tình yêu vun đắp để xây dựng nên 1 mái ấm.
Và nếu ai đó có suy nghĩ như mình thì khi mới bước chân xuống Hà Nội thì hãy cố gắng nhé, có thể mọi người sẽ làm tốt, thậm chí còn tốt hơn.Cứ ước mơ đi, vì cuộc đời cho phép...", chị nói.