A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các ngân hàng sẵn sàng cho giao dịch xác thực sinh trắc học

Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ ngày 1/7/2024, khách hàng muốn chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực khuôn mặt. Các ngân hàng cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng quy định này.

Ngân hàng triển khai sớm để bảo vệ khách hàng

Thời gian qua, các ngân hàng đã gửi thông báo cho khách hàng qua email, tin nhắn SMS và thông báo trên ứng dụng di động, đề nghị khách hàng cập nhật hình ảnh khuôn mặt và căn cước công dân (CCCD) gắn chip trước ngày 1/7 để tránh gián đoạn giao dịch.

Tính năng cài đặt và xác thực giao dịch trực tuyến của khách hàng bằng sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng số - BIDV SmartBanking

Tính năng cài đặt và xác thực giao dịch trực tuyến của khách hàng bằng sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng số - BIDV SmartBanking

Đại diện Agribank cho biết, ngân hàng tích cực thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng. Ngoài ra, ngay trong tháng 6/2024, toàn bộ hệ thống xác thực kết nối trực tuyến với Bộ Công an cũng sẽ được Agribank đưa vào vận hành, các ứng dụng (app) xác thực cũng đã được hoàn thiện. Agribank đã sẵn sàng để áp dụng quy định mới từ tháng 7/2024.

Đại diện SHB cho biết, ngân hàng đã cập nhật và bổ sung dữ liệu sinh trắc học từ thẻ CCCD gắn chip của khách hàng có đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư của Bộ Công an. Việc sớm thu thập thông tin sinh trắc học của khách hàng nhằm mục tiêu đảm bảo trải nghiệm thuận tiện, liền mạch và liên tục trên các nền tảng số cũng như tăng cường bảo mật, bảo vệ khách hàng trong các giao dịch chuyển tiền, đáp ứng quyết định 2345.

Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát cũng cho biết, hiện ACB đã gần như hoàn tất việc đầu tư, chuẩn bị đưa lên nền tảng ACB Online và đầu tháng 6 bắt đầu thông báo cho khách hàng thực hiện đăng ký để thu thập dữ liệu của khách hàng, đảm bảo các giao dịch được thực hiện theo đúng quy định.

Trên thực tế, không đợi tới khi những quy định mới về xác thực sinh trắc học ban hành để đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch tài chính cá nhân, một số ngân hàng còn áp dụng xác thực khuôn mặt sớm hơn quy định, nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện sớm quy định. Từ đầu tháng 4, TPBank đã cập nhật dữ liệu khuôn mặt, vân tay đồng bộ với thông tin CCCD gắn chip, để sử dụng trong xác thực giao dịch giá trị cao thông qua App TPBank và các điểm giao dịch của ngân hàng.

Còn theo đại diện BIDV, từ tháng 5 ngân hàng này đã ra mắt tính năng "Cài đặt sinh trắc học" và triển khai phương thức xác thực giao dịch bằng sinh trắc học trên BIDV SmartBanking. "Chúng tôi đang đầu tư rất nhiều vào công nghệ trong thời gian qua. Việc nâng cao bảo mật cho khách hàng là nhiệm vụ rất quan trọng”- đại diện BIDV nói.

Đến nay, hơn 90% các nghiệp vụ ngân hàng trọng yếu đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số. Về thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng thông qua CCCD có gắn chip, một số ngân hàng đã thu thập được lượng khách hàng lớn như VietinBank đã có hơn 300.000 khách hàng đăng ký sinh trắc học; MB thu thập sinh trắc học cho gần 400.000 khách hàng, BIDV cũng có hơn 200.000 khách hàng đã đăng ký sinh trắc học…

Hiện cả nước có khoảng 87 triệu CCCD gắn chip, tức là hầu hết khách hàng của các ngân hàng đã có CCCD gắn chip. Theo đánh giá của NHNN, việc xác thực sinh trắc học sẽ không gặp khó khăn gì.

Ứng phó tình huống sau ngày 1/7

Để có thể xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định 2345/2023/QĐ-NHNN của NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng trên ứng dụng ngân hàng, người dân cần đăng nhập vào ứng dụng, lựa chọn tính năng Cập nhật thông tin (tên gọi có thể khác nhau đối với mỗi ứng dụng ngân hàng). Sau đó thực hiện quét khuôn mặt; chụp CCCD mặt trước và mặt sau; quét thông tin từ CCCD gắn chip vào đầu đọc NFC trên điện thoại để truyền dữ liệu. Cuối cùng, xác nhận thông tin và xác thực OTP là đã hoàn tất việc cập nhật dữ liệu.

Dù vậy, đã có nhiều phản ánh từ người dân cho biết họ gặp khó khăn trong quá trình cập nhật dữ liệu. Theo ông Nguyễn Văn ở Ba Đình, Hà Nội, do không quen sử dụng công nghệ nên dù đã làm theo hướng dẫn trên ứng dụng ngân hàng (app) nhiều lần nhưng hệ thống vẫn báo việc cập nhật dữ liệu bị lỗi, đề nghị thao tác lại.

Chị Nguyễn Thu Hoà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lo lắng, khó khăn trong việc sử dụng thiết bị di động không hỗ trợ NFC (kết nối không dây trong phạm vi ngắn) để đọc được chip của thẻ CCCD. Đồng thời, không phải điện thoại thông minh nào cũng có đầu kết nối này hoặc mỗi điện thoại lại thiết kế đầu đọc NFC ở vị trí khác nhau, gây khó cho người dùng khi xác thực.

Trong khi anh Phạm Hoàng Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lo lắng, việc cập nhật thông tin vào app ngân hàng đòi hỏi chụp ảnh khuôn mặt, quét thông tin trên CCCD với hàng loạt dữ liệu cá nhân, dấu vân tay... như vậy liệu có nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân hay không?

Các ngân hàng cho hay, nếu khách hàng gặp khó khăn liên quan đến app ngân hàng hay nhận diện đọc chip thẻ CCCD có thể đến các điểm giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn cho biết, đã có 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip tại quầy, 49 tổ chức tín dụng thực hiện xác thực CCCD gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động, 22 đơn vị tham gia triển khai ứng dụng Định danh và xác thực điện tử công dân (VNeID).

Còn về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng là một trong số những điều tiên quyết mà các ngân hàng cần tập trung xây dựng nhiều giải pháp. Đơn cử như tại OCB, mới đây ngân hàng vừa cho ra mắt phiên bản OCB OMNI thế hệ mới, đây là một trong những nền tảng được đánh giá giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam về tốc độ, độ an toàn và tính tiện lợi. Tất cả giao dịch được hỗ trợ bởi các biện pháp an toàn tuyệt đối (công nghệ bảo mật FIDO có thuật toán mã hóa mạnh, bảo mật đa lớp để ký cho từng giao dịch, được đánh giá an toàn nhất hiện nay) kết hợp với việc OCB đã chuẩn bị sẵn sàng việc xác thực sinh trắc học hướng tới mục tiêu bảo mật, đảm bảo tính an toàn, bảo vệ thông tin tài chính của người dùng một cách tối ưu.

 

Bảo mật thông tin sinh trắc học là vô cùng quan trọng. Nếu không được bảo vệ tốt, chính những thông tin này có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Do đó, cần có các yêu cầu pháp lý chặt chẽ đối với các hệ thống sinh trắc học được sử dụng, cũng như có sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó những tình huống sau ngày 1/7. Ngoài ra, với các chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp và biến đổi liên tục, cần tuyên truyền khách hàng luôn đề cao cảnh giác, chú ý các thông tin cảnh báo, hướng dẫn giao dịch an toàn mà ngân hàng hay cơ quan chức năng khuyến cáo. (Ông Vũ Ngọc Sơn - Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan