A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để người dân không còn "khóc nấc" vì bị ngân hàng ép mua bảo hiểm

“Bước ra khỏi ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài kèm tiếng khóc nấc…”. Đó là lời đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) mô tả về thảm cảnh của một người dân bị ngân hàng ép mua bảo hiểm, khi vay tiền.

Để người dân không còn

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quochoi.vn.

Phát biểu tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội, phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) kể một lát cắt về thân phận người dân bị ngân hàng ép mua bảo hiểm mà ông chứng kiến.

Đó là chuyện một phụ nữ vì khoản nợ phải trả, đã đến ngân hàng thương mại cầm cố sổ đỏ để vay 300 triệu đồng. Thế nhưng để được vay xuôi thuận, chị phải mua bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng, chỉ còn lại 280 triệu đồng. “Bước ra khỏi ngân hàng mà hai hàng nước mắt chảy dài kèm tiếng khóc nấc”, ông Thịnh kể.

Tiếng “khóc nấc” của người phụ nữ - hệ lụy của việc các ngân hàng thương mại đã và đang làm đại lý bảo hiểm nhân thọ đã thôi thúc đại biểu Phạm Văn Thịnh lần nữa phải lên tiếng vì quá băn khoăn. Bởi trước đó, ông “đã phát biểu vấn đề này qua hai kỳ họp nhưng cơ quan soạn thảo mới chỉ tiếp thu một phần…”.

Bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) là hoạt động phổ biến trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, hoạt động này đã và đang có vấn đề ở chỗ các ngân hàng có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay.

Tiếng là tự nguyện, nhưng thực chất là khách hàng bị dồn vào thế phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Khoản tiền nộp vào bảo hiểm nhân thọ được xem như "phí bôi trơn" khi vay, nên phần lớn chỉ đóng năm đầu rồi bỏ.

Nghĩa là khách hàng mất không số phí đã nộp với tỉ lệ lên đến 70%, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính. Và con số này, chỉ tính riêng một công ty bảo hiểm nhân thọ bán qua một ngân hàng đã có số phí bảo hiểm khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2.000 tỉ đồng.

Để bảo vệ người dân, các cơ quan chức năng cũng đã rất nhiều lần “vào cuộc”. Và gần nhất, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách hàng.

Tuy vậy, theo các chuyên gia tài chính thì các quy định trong Thông tư này vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng nội dung trên có được áp dụng đúng trong thực tế hay không. Nhưng quan trọng nhất là các quy định trên vẫn chưa đầy đủ, chưa giải quyết triệt để tận gốc vấn đề trong ngành bảo hiểm.

Tại phiên thảo luận nói trên, nhiều đại biểu, thêm lần nữa đề xuất cấm hẳn các ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu không đồng tình bởi cấm thì lại đi ngược với thông lệ quốc tế cũng như lặp lại “bệnh cũ” là cứ cái gì không quản được thì cấm.

Để người dân không còn “khóc nấc” vì bị ngân hàng ép mua bảo hiểm, thì cách tốt nhất vẫn là cho ra đời những cơ chế giám sát và bảo đảm quyền lợi các bên liên quan. Hay nói như đại biểu Phạm Văn Thịnh là “cần bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành văn bản nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của khách hàng”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan