Ngân hàng Nhà nước hút ròng hơn 47.500 tỷ đồng kể từ đầu tuần
Trong 2 phiên giao dịch gần đây, NHNN đã mở lại kênh hút thanh khoản qua phát hành tín phiếu sau gần 2 tuần tạm dừng.
Trong phiên giao dịch 16/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào thầu thành công gần 10.000 tỷ tín phiếu cho 5 thành viên thị trường, lãi suất 6%/năm. Với việc không có tín phiếu cũ đáo hạn, NHNN đã hút ròng gần 10.000 tỷ qua kênh này trong phiên 16/11.
Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, NHNN cho 8 thành viên vay mới hơn 12.065 tỷ đồng; trong khi có 15.522 tỷ đồng các khoản vay cũ đáo hạn. Tính chung, Nhà điều hành đã hút ròng 3.457 tỷ đồng qua kênh này.
Như vậy, trên cả hai kênh tín phiếu và mua kỳ hạn giấy tờ có giá, NHNN đã hút ròng tổng cộng 13.457 tỷ đồng trong phiên giao dịch 16/11
Trước đó, cơ quan quản lý tiền tệ đã rút khỏi hệ thống 27.731 tỷ đồng trong phiên 15/11 và 6.355 tỷ đồng trong phiên 14/11. Tổng cộng, NHNN đã hút ròng gần 47.543 tỷ đồng trong 3 phiên giao dịch đầu tuần này.
Một điểm đáng chú ý là trong 2 phiên giao dịch gần đây, NHNN đã mở lại kênh hút thanh khoản qua phát hành tín phiếu sau gần 2 tuần tạm dừng. Đồng thời, tín phiếu phát hành lần này có kỳ hạn 28 ngày, dài hơn nhiều so với kỳ hạn 14 ngày và 7 ngày trong các đợt phát hành hồi tháng 10. Điều này cho thấy định hướng muốn ''nhốt'' tiền lâu hơn của Nhà điều hành.
Với hoạt động hút ròng trên cả kênh tín phiếu và mua kỳ hạn giấy tờ có giá, số dư OMO – tín phiếu trên thị trường đã giảm mạnh về 33.660 tỷ đồng, từ mức 81.203 tỷ đồng vào cuối tuần trước.
NHNN đẩy mạnh hoạt động hút thanh khoản trong bối cảnh lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm trong những phiên gần đây. Theo dữ liệu mới nhất được cơ quan này công bố, lãi suất vay mượn VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính và chiếm tới 90% tổng giá trị giao dịch) đã giảm xuống còn 4,2% vào phiên 15/11 từ mức 6 – 7%/năm hồi đầu tháng. Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng có xu hướng giảm.
Trước đó, khi lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng nóng, NHNN đã có 2 tuần liên tiếp ở trạng thái bơm ròng lớn tại cuối tháng 10 và tuần đầu tháng 11, với quy mô lên tới 120 nghìn tỷ đồng. Và việc đảo ngược sang trạng thái bơm ròng chỉ xuất hiện khi lãi suất liên ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt.
Dù đã hạ nhiệt, giới phân tích vẫn cho rằng NHNN sẽ linh hoạt sử dụng các công cụ để điều hành lãi suất VND liên ngân hàng theo mục tiêu với độ chênh so với lãi suất USD khoảng 2-3% nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá; đồng thời duy trì bơm thanh khoản thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn giấy tờ có giá, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Thực tế, trong những phiên gần đây, Nhà điều hành vẫn cho các ngân hàng có nhu cầu bù đắp thanh khoản vay qua kênh cầm cố giấy tờ có giá với lãi suất cố định ở mức 6%/năm - vốn đã duy trì trong gần 1 tháng qua. Điều này cho thấy sự nhất quán trong định hướng duy trì chênh lệch lãi suất VND - USD trên thị trường liên ngân hàng của Nhà điều hành.
Theo SSI Research, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhiệt tương đối mạnh trong tuần trước khiến cho chênh lệch giữa lãi suất VND và USD bị thu hẹp đáng kể. Trong tuần này, nhóm phân tích kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục hút ròng nhằm đẩy mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng lên mức an toàn hơn so với USD, giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Còn theo nhận định của Chứng khoán VietinBank, chính sách tiền tệ Việt Nam năm nay chủ yếu xoay quanh điều hành tỷ giá dưới áp lực từ FED thắt chặt tiền tệ, khi lạm phát nhìn chung không cao và khả năng đạt mục tiêu Quốc Hội đề ra dưới 4%. Ngoài việc phải sử dụng dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá, NHNN phải sử dụng công cụ lãi suất, thông qua hút ròng nội tệ thông qua cả kênh tỷ giá và phát hành tín phiếu, nhằm kéo lãi suất VND, cân đối với đà tăng lãi suất USD.
Trước áp lực về tỷ giá trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng NHNN tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất, dự trữ ngoại hối để điều hành tỷ giá.
Cụ thể, sẵn sàng bán ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có thể tiếp tục tăng giá bán khi tỷ giá có xu hướng tăng nóng. Đồng thời, tiếp tục phát hành tín phiếu nhằm điều hành lãi suất VND theo mục tiêu, để duy trì phần chênh lãi suất VND-USD trên thị trường Liên ngân hàng ở trạng thái dương, với phân chênh khoảng 2-3%.
Bên cạnh đó, NHNN có thể tiếp tục bơm thanh khoản trên thị trường mở và các công cụ bơm tiền khác để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng. Và không loại trừ khả năng NHNN tiếp tục tăng lãi suất điều hành.