A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyên tắc xích đạo trong vấn đề triển khai ESG trong các ngân hàng, định chế tài chính toàn cầu và bài học cho Việt Nam

Bài viết cung cấp cái nhìn toàn diện về tiêu chuẩn và ảnh hưởng của nguyên tắc xích đạo đến hoạt động, quyết định tài trợ của các ngân hàng và định chế tài chính. Đối với Việt Nam, việc hiểu và áp dụng các nguyên tắc ESG cũng như Nguyên tắc Xích đạo là cực kỳ quan trọng. Việt Nam có thể học hỏi từ thực tiễn quốc tế để cải thiện năng lực quản lý rủi ro, thúc đẩy đầu tư bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế mà không gây hại đến môi trường, xã hội. Qua đó, Việt Nam cần chú trọng đến việc xây dựng chính sách, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng ESG, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững.

Tóm tắt: Bài viết cung cấp cái nhìn toàn diện về tiêu chuẩn và ảnh hưởng của nguyên tắc xích đạo đến hoạt động, quyết định tài trợ của các ngân hàng và định chế tài chính. Đánh giá ESG bao gồm việc xem xét trách nhiệm môi trường, quản lý mối quan hệ xã hội và chính sách quản trị của doanh nghiệp. Các ngân hàng và định chế tài chính tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh để nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật và tạo lợi ích kinh tế. Đối với Việt Nam, việc hiểu và áp dụng các nguyên tắc ESG cũng như Nguyên tắc Xích đạo là cực kỳ quan trọng. Việt Nam có thể học hỏi từ thực tiễn quốc tế để cải thiện năng lực quản lý rủi ro, thúc đẩy đầu tư bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế mà không gây hại đến môi trường, xã hội. Qua đó, Việt Nam cần chú trọng đến việc xây dựng chính sách, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng ESG, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững.

Từ khóa: Tiêu chuẩn ESG, Nguyên tắc Xích đạo, phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội, lĩnh vực ngân hàng.

EQUATOR PRINCIPLES IN THE IMPLEMENTATION OF ESG IN GLOBAL BANKS, FINANCIAL INSTITUTIONS AND LESSONS FOR VIETNAM

Abstract: This article provides a comprehensive overview of the standards and their impact on banks and financial institutions’ operations and financing decisions. ESG evaluations examine a compa-ny’s environmental responsibility, social relationship management, and governance policies. Banks and financial institutions integrate ESG into their business strategies to enhance risk management effectiveness, ensuring legal compliance, and creating economic benefits. For Vi-etnam, understanding and implementing ESG principles, as well as the Equator Principles, is extremely important. Vietnam can learn from international practices to improve risk manage-ment capabilities, promote sustainable investment, and ensure economic development without harming environment or society. Consequently, the article calls on Vietnam to focus on policy development and encourage businesses to adopt ESG, aiming at creating a healthy and sustain-able business environment.

Keywords: ESG standards, Equator Principles, sustainable development, corporate social responsibility, banking sector

1. GIỚI THIỆU

1.1. Tiêu chí ESG

Bối cảnh trách nhiệm doanh nghiệp đang phát triển đã được định hình đáng kể bởi sự xuất hiện của các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) như một khung quan trọng để đánh giá hành vi doanh nghiệp và hướng dẫn quyết định đầu tư. Các tiêu chí ESG bao gồm 3 yếu tố cần thiết cho sự bền vững và định hướng đạo đức của các doanh nghiệp: (1) Môi trường, khía cạnh này của ESG liên quan đến trách nhiệm quản lý môi trường của một doanh nghiệp, phản ánh sự tham gia của yếu tố này vào các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, quản lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học (Schaltegger & Wagner, 2017). Các công ty được đánh giá dựa trên dấu chân môi trường (environmental footprint) và hiệu quả của các chính sách bảo vệ môi trường; (2) Xã hội, khía cạnh này của ESG liên quan đến khả năng của công ty trong việc quản lý mối quan hệ với nhiều bên liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng địa phương (Servaes & Tamayo, 2013); (3) Quản trị, khía cạnh này của ESG liên quan đến việc đánh giá lãnh đạo của doanh nghiệp, tiêu chuẩn đạo đức, thực hành nội bộ, tuân thủ quy định và bao gồm các vấn đề về cấu trúc quản trị doanh nghiệp, quyền của cổ đông, tiền thưởng cho giám đốc và tính minh bạch của phương pháp kế toán (Gompers, Ishii, & Metrick, 2003).

1.2. Ý nghĩa của ESG đối với các ngân hàng và định chế tài chính

Tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang trở nên cực kỳ quan trọng trong cách thức hoạt động, chiến lược kinh doanh của các ngân hàng và định chế tài chính trên thế giới. Việc hợp nhất những yếu tố ESG vào trong kinh doanh là kết quả của sự kết hợp giữa các động lực đạo đức, pháp lý và kinh tế, cùng nhau làm nổi bật tầm quan trọng của việc thực hành ngân hàng bền vững. Động lực đạo đức xuất phát từ mong đợi ngày càng cao của xã hội về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Động lực pháp lý liên quan đến các quy định pháp lý đang phát triển, yêu cầu báo cáo và thực hiện các hoạt động bền vững. Trong khi đó, động lực kinh tế thừa nhận rằng, sự bền vững có thể dẫn đến lợi ích kinh tế lâu dài và giảm thiểu rủi ro.

Việc tích hợp ESG vào quá trình quản lý rủi ro của các định chế tài chính là một bước quan trọng giúp cải thiện tính hiệu quả của quá trình này. Schoenmaker và Schramade (2019) nhận định rằng, các rủi ro môi trường, bao gồm cả những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, có thể dẫn đến giảm giá trị tài sản và vỡ nợ. Các rủi ro xã hội, nếu không được quản lý đúng đắn, có thể gây tổn thất về uy tín và thua lỗ trong hoạt động, trong khi các rủi ro quản trị liên quan đến sự quản lý sai lầm của doanh nghiệp có thể dẫn đến hậu quả pháp lý và tài chính nghiêm trọng. Việc nhận diện, quản lý chặt chẽ những rủi ro thông qua ESG giúp các định chế tài chính không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn tăng cường sự bền vững lâu dài cho hoạt động kinh doanh của họ.

Trong bối cảnh quy định pháp luật ngày càng chú trọng đến tính bền vững, các ngân hàng chủ động hoà nhập các nguyên tắc ESG vào mô hình kinh doanh của mình được coi là có lợi thế hơn trong việc tuân thủ các quy định mới và giảm thiểu rủi ro về vi phạm pháp luật. Như Thomson (2020) đã chỉ ra, việc này không chỉ giúp ngân hàng tránh được những hậu quả tiêu cực của việc không tuân thủ mà còn củng cố uy tín và hình ảnh của họ trên thị trường.

Ngân hàng cam kết với các nguyên tắc ESG thường tạo ra lòng trung thành mạnh mẽ từ khách hàng. Theo Bénabou và Tirole (2010), khi ngân hàng hoạt động một cách có đạo đức và chủ động hỗ trợ các vấn đề xã hội, điều này không chỉ giúp cải thiện mối quan hệ với khách hàng hiện tại mà còn thu hút những khách hàng mới thông qua việc thể hiện rõ ràng giá trị và sứ mệnh của mình. Trong một thế giới mà người tiêu dùng ngày càng coi trọng thực hành bền vững và vấn đề đạo đức, những ngân hàng này tìm thấy một lợi thế cạnh tranh quý giá, biến cam kết ESG thành một chiến lược kinh doanh thông minh và đạo đức.

Mặt khác, ESG còn thúc đẩy hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, như giảm tiêu thụ năng lượng và nước, tái chế và sử dụng hiệu quả các nguyên liệu, có thể làm giảm đáng kể chi phí hoạt động (Eccles, Ioannou, & Serafeim, 2014). Ví dụ, việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng có thể giảm hóa đơn tiền điện, trong khi việc cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà có thể giảm chi phí về điều hòa không khí và sưởi ấm. Các sáng kiến nhắm đến cải thiện sự tham gia và giữ chân nhân viên, như cung cấp môi trường làm việc an toàn, cơ hội phát triển sự nghiệp, lương bổng công bằng, có thể tăng cường sự hài lòng và gắn bó của nhân viên với công ty (Eccles, Ioannou, & Ser-afeim, 2014). Điều này giúp giảm tỷ lệ nhân viên rời bỏ công ty, giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới, đồng thời cải thiện năng suất lao động. Việc thực hiện các chính sách quản trị tốt như minh bạch tài chính, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và quản lý rủi ro có thể giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý và tài chính, giảm chi phí liên quan đến vi phạm pháp luật và mất uy tín (Eccles, Ioannou, & Serafeim, 2014). Định chế tài chính có hiệu suất ESG xuất sắc thường hưởng lợi từ việc tiếp cận vốn. Họ có thể thu hút được các khoản vay với lãi suất thấp hơn, phát hành trái phiếu xanh, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính cho các sáng kiến bảo vệ môi trường (Flammer, 2018).

Việc tiếp nhận ESG không chỉ là một trách nhiệm đạo đức mà còn được xem là một yếu tố quan trọng quyết định đến thành công lâu dài của các ngân hàng. Các ngân hàng thích ứng với nền kinh tế bền vững, tức là nền kinh tế tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động sản xuất và kinh doanh, sẽ có nhiều khả năng phát triển mạnh mẽ hơn. Họ không chỉ tối ưu hóa lợi nhuận ngắn hạn mà còn đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của mình trong tương lai và giữ vững vị trí trên thị trường (Khan, Serafeim, & Yoon, 2016).

2. NGUYÊN TẮC XÍCH ĐẠO TRONG VẤN ĐỀ TRIỂN KHAI ESG TẠI CÁC NGÂN HÀNG VÀ ĐỊNH CHẾ TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

2.1. Các nguyên tắc trong bộ Nguyên tắc Xích đạo

Nguyên tắc Xích đạo (Equator Principles - EPs) là một bộ tiêu chuẩn tự nguyện được thiết lập cho việc xác định, đánh giá, và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong tài chính dự án. Từ khi được ra đời vào năm 2003, EPs đã được hơn 100 tổ chức tài chính trên thế giới áp dụng, nhằm mục tiêu hỗ trợ ngành tài chính thực hiện công tác thẩm định cẩn thận và thúc đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường một cách có trách nhiệm. EPs được hướng dẫn bởi 10 nguyên tắc, gồm: Xem xét và phân loại; Đánh giá môi trường và xã hội; Các tiêu chuẩn môi trường và xã hội thích hợp; Hệ thống quản lý môi trường, xã hội và kế hoạch hành động nguyên tắc xích đạo; Sự tham gia của các bên liên quan; Cơ chế khiếu nại; Đánh giá độc lập; Các thỏa ước; Giám sát và báo cáo độc lập; Báo cáo và tính minh bạch

2.2. Áp dụng Nguyên tắc Xích đạo trong hoạt động của một số ngân hàng và định chế tài chính trên thế giới

Sự chấp nhận rộng rãi các tiêu chí ESG, trong đó nguyên tắc EPs là một thành phần quan trọng, phản ánh một sự thay đổi lớn trong tư duy của ngành tài chính toàn cầu hướng tới sự bền vững và trách nhiệm doanh nghiệp. Đến nay, đã có hơn 100 tổ chức tài chính trên thế giới nhận thức được vai trò quan trọng của EPs trong quản lý rủi ro, quyết định chiến lược và tài trợ dự án.

Các ngân hàng lớn toàn cầu như JPMorgan Chase không chỉ áp dụng EPs mà còn tích hợp vào khung hoạt động cốt lõi của họ. Việc tích hợp này ảnh hưởng đến cách thức tổ chức đánh giá, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tài trợ dự án (Smith & Taylor, 2020). Tương tự, Tập đoàn HSBC cũng đã thể hiện cam kết của mình đối với sự bền vững bằng cách áp dụng EPs trên toàn bộ danh mục dự án quốc tế, từ đó cho thấy sự phù hợp giữa chiến lược hoạt động kinh doanh với mục tiêu bền vững toàn cầu (Global Finance, 2021). Nedbank Group của Nam Phi cũng áp dụng EPs vào tiêu chí cho vay của mình. Động thái này đảm bảo rằng những dự án mà họ tài trợ, đặc biệt là ở thị trường mới nổi, phải tuân thủ những biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội, kết quả là góp phần giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững trong các khu vực này.

Những hành động tập thể của các tổ chức tài chính này biểu thị một xu hướng ngày càng tăng về đầu tư có trách nhiệm, cũng như việc xem xét tác động môi trường và xã hội lâu dài trong quyết định tài chính. Bằng cách không chỉ áp dụng mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của EPs, các tổ chức nêu trên đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy các thực tiễn tài chính bền vững. Họ là một phần của nỗ lực hợp tác nhằm tinh chỉnh và phát triển EPs, đảm bảo các nguyên tắc trên vẫn hiệu quả trong việc hướng dẫn ngành công nghiệp hướng tới kết quả bền vững (Smith & Taylor, 2020; Global Finance, 2021).

3. BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

 

3.1. Chấp nhận và tích hợp các tiêu chí ESG vào cốt lõi của chiến lược kinh doanh và quyết định đầu tư của các ngân hàng và định chế tài chính

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, các tổ chức tài chính quốc tế đang ngày càng chú trọng đến việc đánh giá và đầu tư vào các doanh nghiệp có thực hành tốt về ESG. Việc nhận thức và đặt ESG làm trọng tâm chiến lược sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam không chỉ đáp ứng được các yêu cầu về quy định mà còn tạo ra sự khác biệt, nâng cao vị thế và mở rộng cơ hội trên thị trường tài chính toàn cầu.

Khi các ngân hàng và định chế tài chính Việt Nam tích hợp ESG vào quyết định đầu tư và quản lý, họ không chỉ đang cam kết với sự phát triển bền vững mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp. Tích hợp ESG đem lại lợi ích cho môi trường, xã hội; giúp họ điều hành doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn, nhờ đó giảm thiểu các rủi ro liên quan đến pháp lý, môi trường và xã hội; đồng thời cải thiện hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế.

Để thực hiện điều này, các ngân hàng Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược, chính sách và quy trình làm việc tích hợp các yếu tố ESG, đồng thời phải đầu tư vào công nghệ, nhân sự, quy trình để đảm bảo rằng ESG được quản lý một cách hiệu quả. Để thực hiện được những yêu cầu như vậy cần phải có sự thay đổi từ trong suy nghĩ đến hành động của cả tổ chức, từ việc đào tạo nhân viên đến việc giao tiếp với các bên liên quan. Bằng cách này, ESG trở thành một phần cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp và chiến lược phát triển dài hạn.

3.2. Nhà nước cần xây dựng và thực thi khung pháp lý và các biện pháp khuyến khích liên quan đến ESG

Chính phủ có thể xem xét phát triển một khung pháp lý vững chắc để khuyến khích việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG. Khung pháp lý này có thể bao gồm cả những quy định bắt buộc và biện pháp khuyến khích, như ưu đãi thuế hay giảm yêu cầu vốn cho các khoản đầu tư bền vững, nhằm thúc đẩy việc tích hợp ESG trong lĩnh vực tài chính.

Để cụ thể hoá việc phát triển một khung pháp lý vững chắc và các biện pháp khuyến khích việc áp dụng tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam, Chính phủ có thể xem xét các biện pháp sau:

Về khung pháp lý, cần ban hành quy định bắt buộc các doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin liên quan đến ESG, bao gồm tác động môi trường, trách nhiệm xã hội và cách thức quản trị. Mặt khác, nên yêu cầu các dự án đầu tư trên một quy mô nhất định phải tuân thủ các tiêu chuẩn ESG nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và tăng cường trách nhiệm xã hội.

Về biện pháp khuyến khích, có thể cung cấp ưu đãi thuế cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư bền vững hoặc hỗ trợ cải thiện hiệu suất ESG của họ. Biện pháp này bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cung cấp khoản khấu trừ thuế cho hoạt động như tái chế, tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh. Các ngân hàng và định chế tài chính có thể được hưởng lợi từ việc giảm yêu cầu về vốn đối với những khoản vay hoặc đầu tư có liên quan đến dự án bền vững hoặc có hiệu suất ESG cao. Bên cạnh đó, nhà nước cũng có thể tổ chức các chương trình đào tạo để nâng cao kiến thức và kỹ năng về ESG cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về hợp tác và hỗ trợ quốc tế, cần khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam gia nhập các hiệp định và sáng kiến quốc tế về phát triển bền vững như mạng lưới của Liên Hợp quốc về nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (UN Principles for Responsible Investment, PRI) để học hỏi và áp dụng các phương pháp tốt nhất. Những nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, chuyên gia để xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực ESG cũng là một yếu tố cần thiết khác.

Về phát triển thị trường tài chính bền vững, cần xây dựng các biện pháp khuyến khích các định chế tài chính phát triển các sản phẩm tài chính xanh như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư bền vững, bảo hiểm rủi ro môi trường. Các cơ quan pháp lý liên quan cũng có thể xem xét xây dựng sàn giao dịch chứng khoán hoặc phân khúc chứng khoán riêng biệt cho các doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn ESG hoặc các công ty hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

3.3. Khuyến khích các ngân hàng và định chế tài chính áp dụng EPs

Áp dụng EPs sẽ là bước tiến quan trọng trong việc đưa ngành Ngân hàng của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu về quản lý rủi ro môi trường, xã hội. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến phát triển bền vững, chẳng hạn như vấn đề quản lý tác động đến môi trường của những dự án cơ sở hạ tầng và vấn đề đảm bảo sự phát triển mang lại lợi ích công bằng cho tất cả mọi người. Những lợi ích mà EPs đem lại có thể kể đến:

Vấn đề quản lý rủi ro được cải thiện: Khi áp dụng EPs, các ngân hàng Việt Nam sẽ có được một khuôn khổ vững chắc để xác định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong tài trợ dự án.

Tăng cường nhận diện quốc tế: Khi các ngân hàng và định chế tài chính Việt Nam thể hiện sự tuân thủ EPs, đồng nghĩa với việc đang gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam cam kết thực hiện các hoạt động ngân hàng một cách có trách nhiệm. Điều này có thể khiến Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn, với khả năng thu hút nguồn vốn từ những nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc tài trợ cho các dự án phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu.

Phát triển bền vững: Khi Việt Nam áp dụng EPs sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng thực hiện thực hành phát triển bền vững bằng cách đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội một cách chặt chẽ trong quá trình tài trợ dự án. Nhờ vậy, Việt Nam hướng tới một tương lai phát triển kinh tế mà vẫn bảo tồn được nguồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì công bằng xã hội, từng bước hoà nhập với các chuẩn mực quốc tế về phát triển bền vững.

Sự tham gia của các bên liên quan: EPs nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham vấn và đối thoại với những cộng đồng, cá nhân bị ảnh hưởng bởi các dự án mà các ngân hàng, tổ chức tài chính tài trợ. Quá trình này đảm bảo rằng tiếng nói của cộng đồng được lắng nghe và xem xét khi quyết định về việc tiến hành hoặc thiết kế lại dự án, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, cải thiện lợi ích tích cực cho cộng đồng. Tham vấn cộng đồng không chỉ giúp xác định và giải quyết các mối quan ngại môi trường, xã hội mà còn góp phần vào việc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp, sự chấp nhận của dự án từ phía cộng đồng. Điều này cũng thúc đẩy sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, đồng thời giảm bớt các rủi ro về xã hội, tăng cường tính bền vững của dự án.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Association, E. P. (2013). The Equator Principles (EP III). Được truy cập từ https://www.equator-principles.com/ep3/

- Association, E. P. (2020). The Equator Principles (EP IV). Được truy cập từ https://www.equator-principles.com/ep4/

- Bénabou, R., & Tirole, J. (2010). Individual and corporate social responsibility. Economica, 77(305), 1-19.

- Eccles, R. G., Ioannou, I., & Serafeim, G. (2014). The impact of corporate sustainability on organizational processes and performance. Management Science, 60(11), 2835-2857.

- Finance, G. (2021). Equator Principles at HSBC: A commitment to sustainability. Global Fi-nance Journal, 32(1), 45-49.

- Flammer, C. (2018). Corporate green bonds. Journal of Financial Economics, 130(3), 432-453.

- Friede, G., Busch, T., & Bassen, A. (2015). ESG and financial performance: Aggregated evi-dence from more than 2000 empirical studies. Journal of Sustainable Finance & Investment, 5(4), 210-233.

- Gompers, P., Ishii, J., & Metrick, A. (2003). Corporate governance and equity prices. The Quarterly Journal of Economics, 118(1), 107-155.

- Haack, P., & Schoeneborn, D. (2012). Motivated blindness in self-regulation: The case of the Equator Principles. Journal of Business Ethics, 107(4), 449-463.

- Johnson, L., & Turner, A. (2020). Integrating human rights into the Equator Principles: A perspective on EP IV. Journal of Human Rights and the Environment, 11(2), 134-158.

- Khan, M., Serafeim, G., & Yoon, A. (2016). Corporate sustainability: First evidence on mate-riality. The Accounting Review, 91(6), 2016.

- Miller, A., & Park, C. (2019). Strengthening accountability in the Equator Principles: A re-view of potential mechanisms. Global Environmental Politics, 19(3), 98-117.

- Robinson, M. (2021). The role of independent monitoring in enhancing the effectiveness of the Equator Principles. Environmental Finance, 22(2), 157-165.

- Schaltegger, S., & Wagner, M. (2017). Managing the business case for sustainability: The in-tegration of social, environmental and economic performance. Greenleaf Publishing.

- Schoenmaker, D., & Schramade, W. (2019). Principles of sustainable finance. Oxford Univer-sity Press.

- Servaes, H., & Tamayo, A. (2013). The impact of corporate social responsibility on firm val-ue: The role of customer awareness. Management Science, 59(5), 1045-1061.

- Smith, J., & Taylor, A. (2020). (2020). JPMorgan Chase & Co: Integrating the Equator Prin-ciples in Project Finance. International Finance Review, 21(2), 201-217.

- Thomson, I. (2020). Embedding ESG values in banking and finance. International Journal of Bank Marketing, 38(2), 423-438.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 2 năm 2024

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật