Sau 3 tháng nới lỏng giãn cách xã hội, các ngân hàng đã bơm gần 470 nghìn tỷ ra nền kinh tế
Theo SSI Research, tin dụng đã tăng trưởng mạnh sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% cho thấy tín hiệu NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tại báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố, SSI Research cho biết, trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng 10,54 nghìn tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 14 ngày trên thị trường mở, lãi suất 2,5%/năm, trong đó giao dịch tập trung vào ngày cuối cùng của tuần (9,98 nghìn tỷ đồng) dưới áp lực của thiếu hụt thanh khoản cục bộ trong giai đoạn cuối năm.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có biến động trái chiều, khi tăng mạnh ở kỳ hạn ngắn và giảm ở kỳ hạn trên 2 tuần. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm tiếp tục duy trì trên 1%, kết tuần ở mức 1,57% (tăng 0,2 điểm phần trăm), kỳ hạn 1 tuần là 1,76% (tăng 0,07 điểm %) trong khi kỳ hạn 2 tuần giảm 0,02 điểm phần trăm xuống 1,87% .
Thông tin từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 27/12 đạt 12,97% so với cuối năm 2020 (cao hơn so với mức 12,17% của năm 2020), tương đương với khoảng 202 nghìn tỷ đồng tín dụng mới bổ sung cho nền kinh tế trong 4 tuần qua.
Theo SSI Research, tín dụng đã cho thấy mức tăng trưởng tích cực hơn kỳ vọng, khi đã tăng gần 470 nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng 3 tháng sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Nhờ vậy, NHNN dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 có thể đạt gần 14% - cao hơn so với ước tính của nhóm phân tích.
Nguồn: SSI Research
Năm 2022, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra ở mức 14% - tương đương với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra trước dịch Covid (cho năm 2019 và 2020). Con số này cho thấy kỳ vọng về sự phục hồi tín dụng cũng như tín hiệu NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng.
Trong thông báo mới nhất của Chính phủ về Gói phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 – 2023, chính sách tiền tệ sẽ tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%- 1% trong 02 năm.