Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xe điện ở Trung Quốc
Trong bối cảnh Trung Quốc giảm bớt các khoản hỗ trợ cho người tiêu dùng để thúc đẩy thị trường xe chạy bằng năng lượng mới (NEV), cục diện đang dần thay đổi.
Theo Nikkei, trong khi các nhà sản xuất lớn như Tesla và BYD vẫn duy trì được vị thế dẫn đầu ở thời điểm hiện tại, những công ty “hạng 2” đang phải đối mặt với không ít thách thức ngày càng gia tăng.
Bộ 3 công ty được niêm yết tại Mỹ là Nio, Xpeng và Li Auto dường như đang chứng kiến lợi thế của mình bị xói mòn.
Một phần đến từ sự cạnh tranh mới của các nhà sản xuất ô tô nhà nước có sẵn tiền mặt và sẵn sàng đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, họ còn được trợ giúp của những gã khổng lồ công nghệ như Huawei và Baidu trong mảng xe hơi thông minh. Đây được coi là lĩnh vực mà nhiều nhà sản xuất ô tô truyền thống bị tụt hậu từ lâu.
Bộ 3 startup xe điện
Khi thị trường xe điện của Trung Quốc nhanh chóng mở rộng trong những năm gần đây, Nio, Xpeng và Li Auto đã trở thành những công ty khởi nghiệp NEV hàng đầu trong nước. Năm 2021, họ đã bán được tổng cộng 90.000 xe.
Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (CPCA), các thương hiệu xe điện nội địa rất phổ biến ở Trung Quốc, chiếm khoảng 4/5 thị trường trong 7 tháng đầu năm nay. Nhưng bất chấp điều đó, bộ 3 này vẫn gặp khó trong việc tạo ra lợi nhuận.
Nio – công ty từng được coi là kẻ thách thức Tesla ở Trung Quốc, có doanh số đứng thứ 5 tại đất nước tỷ dân trong tháng 7 vừa qua và không thể lọt top 3 từ đầu năm đến nay.
Cùng với việc tụt hạng, danh tiếng của họ cũng bị sụt giảm vào tháng 6 do cáo buộc phóng đại doanh thu thông qua việc bán hàng cho một công ty có liên quan.
Để đạt lợi nhuận, Nio đang tìm cách mở rộng quy mô sản xuất đồng thời giới thiệu nhiều dòng sản phẩm mới. Một số nguồn tin thân cận cho biết một thương hiệu con mới của công ty với các sản phẩm rẻ hơn sẽ được ra mắt năm 2024.
Nio đạt doanh thu 9,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,4 tỷ USD) trong quý I/2022 và lỗ ròng 1,78 tỷ nhân dân tệ (khoảng 254 triệu USD).
Trong khi đó, Xpeng tự định vị là một lựa chọn hợp túi tiền so với các đối thủ như Nio. Tuy nhiên, công ty vẫn phải giảm giá vào tháng 7 để tăng tính cạnh tranh. Một nguồn tin trong ngành tiết lộ rằng chiến lược định vị của Xpeng dường như không mang lại kết quả như mong đợi.
Dù bán chạy hơn Nio và Li Auto trong nửa đầu năm nay nhưng Xpeng vẫn lỗ 1,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 242 triệu USD) và có doanh thu cũng như tỷ suất lợi nhuận thấp nhất trong 3 công ty.
Trong quý I/ 2022, Li Auto kiếm được 9,56 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,35 tỷ USD) với khoản lỗ ròng 10,9 triệu nhân dân tệ (khoảng 155.000 USD).
Trong bối cảnh hoạt động tài chính không mấy khởi sắc như vậy, một số chuyên gia bày tỏ băn khoăn rằng liệu họ có tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ thị trường vốn đã thúc đẩy họ cho đến nay hay không.
Tương lai của ô tô thông minh
Một nguồn tin cho biết mặc dù hoạt động kinh doanh có phần ảm đạm nhưng Nio, Xpeng và Li Auto đã tạo ra sự lo lắng nhất định cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống bởi ai cũng cần khả năng cạnh tranh khi nhắc đến các tính năng thông minh và khả năng tự chủ của xe.
Huawei đã và đang tự định vị là công ty cung cấp giải pháp cho những gã khổng lồ ô tô truyền thống. Tuy mới gia nhập ngành 1 năm trước nhưng các hệ thống thông minh của họ cũng nhận được nhiều sự ưu ái.
Trong 18 tháng qua, Huawei đã thiết lập quan hệ đối tác với một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc và các công ty con trong mảng EV của họ để giúp xây dựng các thương hiệu con bằng cách sử dụng công nghệ lái xe tự hành của mình. Đáng chú ý, ngoài hỗ trợ đơn vị sản xuất, Huawei còn hỗ trợ người tiêu dùng thông qua các chiến lược marketing và kênh bán hàng phù hợp.
Huawei không phải là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc duy nhất đang tấn công vào mảng ô tô thông minh để tăng trưởng trong tương lai. Liên doanh Jidu Auto của Baidu và Geely hồi tháng 6 năm nay đã tung ra một mẫu "robocar" chạy bằng công nghệ lái xe thông minh của Baidu.
Trong khi đó, SAIC Motor đã đầu tư vào công ty chip AI Horizon và công ty công nghệ lái xe tự hành Momenta. Tháng 4 năm ngoái, họ cho biết đang có kế hoạch đầu tư 300 tỷ nhân dân tệ vào ô tô điện thông minh trong vòng 5 năm.
Việc cạnh tranh với bộ 3 NEV cũng đặt ra thách thức về mặt tổ chức cho các hãng xe truyền thống.
Sản xuất ô tô điện thông minh đòi hỏi các công ty truyền thống phải thay đổi tổ chức nội bộ, với việc sẽ có các bộ phận mới phát sinh và một số bộ phận khác giảm dần tầm quan trọng. Điều này có thể dẫn đến xung đột, đặc biệt là khi liên quan đến các công ty nhà nước. Một cách mà các công ty đang cố gắng để giải quyết vấn đề này là loại bỏ thương hiệu phụ không còn sinh lời nhiều và học theo bộ 3 NEV.
Nguồn: Nikkei, BI