Giá urê bắt ngờ tăng vọt sau một đêm, triển vọng nào cho ngành phân bón?
Theo một số dự báo, nhu cầu urê có thể vẫn yếu trong suốt cả năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông sản.
Theo dữ liệu từ Investing, giá hợp đồng tương lai phân urê vừa tăng vọt 11,75% chỉ sau một đêm lên mức 319 USD, cao nhất trong vòng hơn một tháng. Diễn biến có phần bất ngờ xảy ra trong bối cảnh giá loại hàng hoá này đang “ngụp lặn” vùng đáy. Trước đó, giá Ure đã liên tục giảm mạnh từ cuối quý 3 năm ngoái và có thời điểm rơi xuống thấp nhất trong hơn 2 năm.
Xu hướng giảm giá urê cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón. Quý 1/2023, 26 công ty phân bón niêm yết đạt doanh thu 21.375 tỷ đồng, giảm 17,9% so với quý liền kề trước đó và giảm 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp của ngành phân bón trong quý 1/2023 giảm đáng kể từ 17,8% cùng kỳ năm ngoái xuống 15,4%.
Lợi nhuận sau thuế quý 1 của toàn ngành phân bón đạt 1.375 tỷ đồng, giảm 64,6% so với quý trước và giảm 80,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, các doanh nghiệp đầu ngành như DPM, DCM đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm đáng kể, lần lượt 88% và 85% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do giá urê giảm. Lãi trước thuế của DDV “bốc hơi” đến 99,5% trong khi BFC và DHB thậm chí còn lỗ.
Sau mùa thấp điểm, giá phân bón trong quý 2/2023 dù không giảm mạnh như quý đầu năm nhưng vẫn chưa thể phục hồi. Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận quý 2/2023 của các doanh nghiệp phân bón sẽ thấp hơn quý 1 và đây có thể là mức lợi nhuận thấp nhất năm nếu xét về giá trị tuyệt đối.
Không chỉ bất lợi về giá, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp phân bón nhìn chung cũng không mấy khởi sắc. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón trong 5 tháng đầu năm mới đạt hơn 692.000 tấn các loại, tương đương khoảng 289 triệu USD, giảm 8,9% về lượng và giảm 42,2% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Theo KIS, sản lượng xuất khẩu sụt giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng doanh thu do áp lực cạnh tranh từ sự trở lại của Trung Quốc và Nga trên thị trường phân bón toàn cầu. Áp lực cạnh tranh tại thị trường trong nước cũng cao hơn do hoạt động xuất khẩu gặp nhiều bất lợi. Tuy nhiên, có thể thấy hoạt động xuất khẩu đã có dấu hiệu hồi phục dần trong tháng 5.
Khó khăn vẫn còn phía trước
Sự phục hồi về giá và hoạt động xuất khẩu thực tế mới chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và còn quá sớm để khẳng định về một xu hướng dài hạn. Hầu hết các các doanh nghiệp phân bón lớn đều dự báo 2023 sẽ là một năm khó khăn và tỏ ra thận trọng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay. Chỉ tiêu lợi nhuận giảm rất mạnh so với năm trước, thậm chí thấp hơn con số cả năm 2021.
Năm 2023, DPM đặt mục tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt giảm 13% và 60% so với năm ngoái. DCM cũng lên kế hoạch 2023 rất thấp với chỉ tiêu doanh thu giảm 18% và mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm đến 68% so với thực hiện năm trước. DDV và DHB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm mạnh lần lượt 75% và 61% so với năm 2022. Lạc quan nhất là BFC cũng lên kế hoạch lợi nhuận đi lùi 6% so với năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp phân bón vốn có thói quen lên kế hoạch thấp để dễ về đích và tuỳ theo tình hình thực hiện để điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh doanh vào cuối năm. Dù vậy, không thể phụ nhận rằng những khó khăn đang hiện hữu với ngành phân bón và mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh không phải không có cơ sở.
Theo SSI Research, nhu cầu urê có thể vẫn yếu trong suốt cả năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông sản. Hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động trồng trọt ở Đông Nam Á, Australia và Nam Phi. Theo đó, nhu cầu có thể vẫn yếu trong các quý còn lại của năm 2023.
Giá nguyên liệu giảm và các nước châu Âu đã tìm được sản phẩm thay thế dầu/khí của Nga, mối lo ngại về tình trạng thiếu urê cũng giảm bớt, do đó Châu Âu có thể không cần nhập khẩu nhiều urê như trước. Tiềm năng xuất khẩu urê của các nước xuất khẩu urê trong đó có Việt Nam có thể giảm sút. Ngoài ra, urê Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá nên việc khôi phục xuất khẩu urê của nước này càng gây khó khăn hơn cho các công ty sản xuất urê của Việt Nam trong việc xuất khẩu.