Giá xăng, dầu giảm mạnh: Cơ hội giảm giá các mặt hàng tiêu dùng
Theo các chuyên gia kinh tế, giá các mặt hàng xăng dầu đã giảm mạnh trong kỳ điều hành chiều 21/7 sẽ là cơ hội để nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ giảm giá theo.
Giá các mặt hàng xăng dầu đã giảm mạnh trong kỳ điều hành chiều 21/7. Và với liên tiếp 3 kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất - từ đầu tháng 7 đến nay - mỗi lít xăng E5Ron 92 đã giảm 6.229 đồng/lít và mỗi lít xăng Ron 95 đã giảm hơn 6.800 đồng/lít, đưa giá các mặt hàng xăng nhiên liệu trên thị trường về mức 25.000-26.000 đồng/lít. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội để nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ giảm giá theo.
Đánh gía cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cùng với đà giảm của giá xăng dầu thế giới, việc giá dầu giảm sẽ hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp và với giá xăng giảm về mức trên/dưới 25.000 đồng/lít là cơ hội để nhiều loại hàng hoá, dịch vụ giảm theo, nhất là các mặt hàng thực phẩm đã neo theo giá xăng dầu cao trong một khoảng thời gian dài.
"Tôi rất hoan nghênh quyết định về giảm giá xăng dầu kỳ này. Với mức giảm giá như thế này thì tôi tin chắc rằng là giá cả các mặt hàng và dịch vụ sẽ phải giảm. Lần trước chúng ta giảm giá thì trong mạng xã hội có người nói là giảm giá chưa thấm thoắt vào đâu và giá trên thị trường thì chưa có sự chuyển động, nhưng với kỳ giảm lần này thì tôi nghĩ là sẽ thúc đẩy sản xuất và như vậy là cung - cầu trên thị trường sẽ được cải thiện, và đấy là lý do mà giá các mặt hàng và dịch vụ có thể giảm..." - TS Lê Đăng Doanh cho biết.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/7, giá các mặt hàng xăng, dầu tiếp tục giảm mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long việc giảm giá xăng dầu góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, hỗ trợ đáng kể trong sản xuất và qua đó thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc “tăng nhanh, giảm chậm” vẫn đang là thực tế. Khi giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp, nhà buôn thường đẩy giá các mặt hàng tăng theo giá xăng dầu, nhưng khi giá xăng dầu giảm mạnh, việc giảm giá các mặt hàng tiêu dùng cũng như các dịch vụ vận tải thường chậm hơn, thậm chí vẫn giậm chân tại chỗ, tạo mặt bằng giá mới.
Phân tích về điều này, TS Ngô Trí Long cho rằng, cần có sự vào cuộc của cả “3 chủ thể” trong nền kinh tế thị trường. Nghĩa là, cùng với công tác quản lý của cơ quan chức năng, còn đòi hỏi trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh và bản thân mỗi người tiêu dùng.
"Khi giá đầu vào giảm tương đối sâu và mạnh như vậy thì sẽ tạo điều kiện, cơ hội rất lớn cho những nhà sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ sẽ giảm giá. Còn bao giờ giảm giá được thì nó phải được quyết định bởi 3 yếu tố: Thứ nhất là phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh trên thị trường; Thứ hai là trước áp lực của cơ quan nhà nước, yêu cầu kê khai, giám sát và có những lời khuyên biết chia sẻ với lợi ích người tiêu dùng, cơ quan chức năng; Thứ 3 là bản thân cộng đồng người tiêu dùng phải biết áp dụng biện pháp tẩy chay, lên án..." - TS Ngô Trí Long cho biết thêm.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ hội giảm giá các mặt hàng “ăn theo” giá xăng dầu là rất rõ ràng, nhưng vẫn đang ở dạng “tiềm năng”, đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
"Những cơ hội từ việc giảm giá xăng dầu dẫn đến giảm giá các mặt hàng khác thì chỉ là tiềm năng chứ không có mối quan hệ trực tiếp; bởi vì rõ ràng là Chính phủ không hề có bất kỳ một biện pháp nào để chuyển những động thái giảm giá xăng dầu vào việc giảm giá các mặt hàng khác mà tất cả đều do thị trường của các doanh nghiệp cung ứng hay là các hộ kinh doanh cung ứng mặt hàng này trên thị trường quyết định.
Rõ ràng đây là một sự thiếu trong cơ chế quản lý và khai thác những giá trị tích cực của việc giảm giá xăng dầu đối với nền kinh tế. Khi xăng dầu tăng thì rất nhiều mặt hàng rất nhanh, lợi dụng để bù lại chi phí xăng hoặc là tranh thủ té nước theo mưa... và xu hướng này vẫn không hề giảm đi. Do đó là việc tiếp tục điều hành để làm sao đó những cái lợi ích từ việc giá xăng dầu nó sẽ tới được với các mặt hàng khác là rất cần thiết, và cơ chế này cần phải suy nghĩ một cách sâu hơn, thấu đáo hơn để áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn..." - TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, việc giảm sâu giá các mặt hàng xăng dầu trong bối cảnh hiện nay, trong đó có việc đưa giá các mặt hàng xăng về mức 25.000 – 26.000 đồng/lít là rất đáng ghi nhận. Song, cũng cần tính toán đến tính 2 mặt của các tác động, nhất là khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang khan hiếm nguồn cung năng lượng, trong đó có xăng dầu. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để tiêu dùng năng lượng, nhiên liệu tiết kiệm, trong đó có các mặt hàng xăng dầu, để đạt được cùng lúc các hiệu quả kinh tế - xã hội tạo ra từ mặt hàng chiến lược này.../.