A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá xăng dầu "nhảy múa" ra sao từ giờ đến cuối năm?

Sau thời gian dài lao dốc, giá dầu có xu hướng tăng trở lại. Kịch bản nào cho giá xăng dầu từ giờ đến cuối năm 2024 trước rủi ro từ địa chính trị?

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Nói về nguồn cung xăng dầu, tại báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 8 tháng năm 2024, Bộ Công Thương cho biết, đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quý đã đăng ký;

Chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục, nhất là các dịp cao điểm, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối hợp lý nhằm đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu.

Bộ Công Thương dự báo 5 tháng cuối năm 2024, về sản xuất, dự kiến hai nhà máy sản xuất ước đạt khoảng 6,9 triệu tấn, tương đương 8,28 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Về nhập khẩu, ước nhập khẩu 5 tháng cuối năm 2024 khoảng 3,7 triệu tấn.

Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 10,6 triệu tấn, tương đương khoảng 12,72 triệu m3/tấn.

Giá xăng dầu từ giờ đến cuối năm vẫn có những biến động khó lường. Ảnh: Nguyễn Hải

Giá xăng dầu từ giờ đến cuối năm vẫn có những biến động khó lường. Ảnh: Nguyễn Hải

Bộ Công Thương cho biết không thiếu xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng. Bộ này sẽ tiếp tục bám sát tình hình sản xuất của hai nhà máy, tình hình nhập khẩu xăng dầu của các thương nhân và tình hình tiêu thụ xăng dầu trong nước để có giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới.

Dự báo mới nhất về giá xăng dầu từ nay đến cuối năm

Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 12.9, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm hơn 1 nghìn đồng/lít, trong đó giá xăng E5 RON 92 giảm 1.089 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành, về mức giá mới 18.890 đồng/lít; xăng RON 95-III giảm 1.192 đồng/lít về 19.635 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 17 lần tăng, 20 lần giảm. Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu giảm do chịu ảnh hưởng từ xu hướng giảm giá của thế giới.

Tuy vậy, Bộ Công Thương lo ngại hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động ảnh hưởng đến giá cả mặt hàng xăng dầu như: cuộc chiến Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường gia tăng lo ngại Trung Quốc khó có thể sớm lấy lại đà tăng trưởng, kéo theo nhu cầu sử dụng dầu có thể thấp hơn dự báo, có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào thị trường vàng và tiền số, quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+), căng thẳng tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn…

"Tiềm ẩn nguy cơ nguồn cung, giá cả mặt hàng xăng dầu thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường" - Bộ Công Thương cho biết.

Đánh giá về triển vọng giá trong thời gian tới, trao đổi với Lao Động, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - cho rằng, giai đoạn hiện tại, yếu tố cung cầu sẽ hỗ trợ giá trong ngắn hạn, giá dầu thế giới có thể tiếp tục diễn biến quanh vùng 80 USD/thùng, ít nhất cho tới cuối quý III, trùng với thời điểm thị trường kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất.

Tuy nhiên, sức ép có thể quay về chi phối thị trường sau khi mùa tiêu thụ cao điểm đi qua và OPEC+ dần bơm thêm nguồn cung vào thị trường.

Với diễn biến tình hình chính trị ở Trung Đông, đại diện MXV cho rằng, với một loạt các nhà sản xuất cũng như xuất khẩu dầu thô hàng đầu, kịch bản leo thang xung đột sẽ là yếu tố đẩy giá dầu lên ngưỡng 85-90 USD/thùng, hay thậm chí có thể chạm mốc 3 con số.

Giá xăng dầu thế giới chiếm 64-72% trong cơ cấu giá, dẫn tới giá trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá quốc tế, do đó, ông Quang cho rằng, vẫn còn rất nhiều yếu tố tác động đến giá xăng dầu trong nước trong những tháng cuối năm xung quanh các yếu tố địa chính trị và động thái điều hành lãi suất của FED...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan