A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn giá hàng hóa “té nước” theo lương

Lương cở sở chính thức tăng thêm 20,8% từ ngày 1/7/2023. Bên cạnh niềm vui, nhiều người cũng bày tỏ lo ngại việc tăng lương cơ sở sẽ khiến mặt bằng giá cả tăng theo, ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Chỉ còn ít ngày nữa là tới thời điểm thực hiện tăng lương cơ sở. Theo đó, từ ngày 1/7, lương cơ sở chính thức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%). Trước thềm lương tăng, nhiều người tiêu dùng có tâm lý buồn, lo lẫn lộn. Thực tế ghi nhận, việc tăng giá thường xảy ra trước tăng lương, thậm chí mức tăng giá hơn cả mức tăng lương, đó là tiền lệ xấu của thị trường.

Việc giá cả hàng hóa tăng còn đẩy lạm phát tăng, ảnh hưởng xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế trước đó, giai đoạn 1986 - 1992 sau khi cải cách tiền lương, mức lạm phát của nước ta đã tăng lên 774,7%. Đến kỳ tăng lương tháng 7/2018, điều chỉnh lương cơ sở từ mức 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng đã khiến CPI tháng 6/2018 tăng 0,61% và chỉ số lạm phát tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước.

Ngăn giá hàng hóa “té nước” theo lương - Ảnh 1

 

Đón nhận tin vui tăng lương, chị Nguyễn Thị Mùi, giáo viên mầm non phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Với người làm công ăn lương, việc được tăng lương là tin rất vui. Vì tăng lương đồng nghĩa với việc sẽ có thêm thu nhập để chi tiêu, nâng mức sinh hoạt của gia đình. Nếu được tăng lương, mỗi tháng thu nhập của tôi cũng tăng được thêm gần 1 triệu đồng. Nhưng tính đi tính lại, nếu giá cả hàng hóa, dịch vụ “té nước” tăng theo khoảng 10%, thì khoản tăng thêm chi phí cho cả gia đình tôi cũng tăng quá cả khoản lương tăng. Vì thế, tôi không biết nên mừng hay nên lo lúc này”.

 

Việc điều hành giá cả thị trường cần phải nắm bắt thị trường, căn cứ vào tín hiệu của thị trường, để từ đó có giải pháp, kịch bản để điều hành cho uyển chuyển, đáp ứng được quan hệ cung – cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Trái ngược niềm vui khi nhận tin lương tăng, chị Quản Thị Mai đang làm nghề tự do tại quận Hà Đông thở dài: “Tôi làm nghề tự do nên lương cơ sở tăng hay giảm cũng không ảnh hưởng tới thu nhập. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi nhiều năm nay, cứ khi nào lương tăng, ngay lập tức giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ lấy cớ tăng theo. Những người lao động tự do như chúng tôi đúng là thiệt đủ đường. Tôi mong Nhà nước có cơ chế, chính sách quản lý, kiểm soát giá cả để bình ổn thị trường, không làm xáo trộn đời sống người dân”.

Từ đầu năm 2023 đến nay, không chỉ giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có xu hướng tăng, mà nhiều sản phẩm, dịch vụ cũng được điều chỉnh tăng theo, làm đời sống người dân càng thêm eo hẹp. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, mặc dù lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng giá xăng dầu, giá điện, giá gas tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng… là các yếu tố gây áp lực lên lạm phát cuối năm.

Hiện trên thị trường giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ tăng nhẹ so với tháng trước do giá nguyên liệu đầu vào tăng, thức ăn chăn nuôi biến động mạnh theo giá thế giới, cùng với nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, giá rau, củ do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, kèm mưa thất thường, bất lợi cho hoạt động sản xuất của người dân.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 0,27% so với tháng trước nhưng tăng tới 4,54% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân 5 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung. Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,51%. Đây là các yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng lại thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Xây dựng kịch bản điều hành giá uyển chuyển

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nêu quan điểm, sau 4 năm mới điều chỉnh tăng lương cơ sở, với mức tăng khá cao (20,8%) so với tốc độ CPI 3 năm qua. Việc tăng lương cơ sở là rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này. Mục tiêu trước hết của việc tăng lương cơ sở là tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu lạm phát không được kiềm chế hiệu quả, chỉ số giá tiêu dùng, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng song song hoặc nhanh hơn mức tăng của lương. Vì vậy, cần phải có giải pháp kiểm soát giá cả thị trường, kiềm chế mức tăng CPI khi nguy cơ giá tiêu dùng vẫn còn hiện hữu.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đưa ra góc nhìn lạc quan về việc kiểm soát lạm phát. Đó là nhờ chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó, giá xăng dầu được dự báo sẽ ở mức thấp hơn so với năm 2022. Cùng với nguồn cung lương thực, thực phẩm cũng đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. “Cùng với việc tăng lương, cần tiếp tục thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Đưa ra các giải pháp bình ổn thị trường trong thời gian tới, Trưởng Phòng Quản lý thẩm định giá – Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Phạm Văn Bình cho biết, hoạt động quản lý giá được Bộ Tài chính đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để hạn chế tình trạng giá hàng hóa “té nước theo mưa” khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7. Bên cạnh đó, Cục cũng đã tính toán rất kỹ để cuối năm 2023 lạm phát không vượt quá 4,5% chỉ tiêu do Quốc hội giao.

“Hiện nay Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái là Trưởng ban và Bộ Tài chính là cơ quan thường trực thường xuyên nghiên cứu, hỗ trợ Thủ tướng Chính phủ quyết định những chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá, thực hiện đồng bộ các chính sách về giá các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu” – ông Phạm Văn Bình thông tin.

Cũng theo ông Phạm Văn Bình, Ban Chỉ đạo thường xuyên tổ chức những cuộc họp để đưa ra kịch bản điều hành giá từ đầu năm đến nay. Bộ Tài chính cũng chủ trì, báo cáo Ban Chỉ đạo chủ động những tình huống, kế hoạch sẽ triển khai trong quá trình điều hành giá thời gian tới, đặc biệt tính toán kỹ lưỡng về việc tăng lương cũng như lộ trình tăng nhiều yếu tố khác.

Trong thời gian tới, công tác điều hành, quản lý giá tập trung vào ba nhóm nội dung quan trọng. Đó là bám sát diễn biến thị trường, giá cả, đảm bảo kiểm soát theo đúng mục tiêu lạm phát Quốc hội đề ra và đặc biệt chú ý đến những mặt hàng chiến lược, có ảnh hưởng lớn như xăng dầu. Đồng thời, nắm bắt tình hình cung cầu và những công việc khác trong quá trình thực hiện bình ổn giá.

Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ. Bởi đây cũng một công cụ trong điều hành giá của Nhà nước. Song song với đó, theo dõi chặt chẽ việc kê khai giá, niêm yết giá, cũng như việc kiểm tra chấp hành pháp luật trong công tác quản lý giá, tránh găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, chú trọng trong công tác thông tin truyền thông, công khai, minh bạch trong lĩnh vực quản lý giá, từ đó, cơ bản đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát như Quốc hội đề ra.

 

Luật giá (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quy định các giải pháp kiểm soát giá. Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật giá, đặc biệt là trong bối cảnh từ 1/7 tới sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cũng đã yêu cầu kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu và chỉ số lạm phát. Với sự vào cuộc sớm của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội thì tình trạng tăng lương không theo kịp tăng giá sẽ không xảy ra.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan