A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường ngày 24/6: Giá dầu giảm gần 2 USD/thùng, vàng, ngô, lúa mì, đậu tương đồng loạt giảm, đồng thấp nhất 16 tháng

Chốt phiên giao dịch 23/6 lo lắng suy thoái kinh tế toàn cầu bao trùm khiến giá dầu giảm gần 2 USD/thùng, vàng giảm, đồng xuống thấp nhất 16 tháng, ngô, lúa mì, đậu tương đồng loạt giảm.

Dầu giảm 2 USD/thùng

Giá dầu giảm gần 2 USD/thùng sau bài phát biểu khác của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Jerome Powell làm dấy lên lo lắng việc Mỹ tăng lãi suất sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Chốt phiên 23/6, dầu thô Brent giảm 1,69 USD hay 1,5% xuống 110,05 USD/thùng. Dầu WTI giảm 1,92 USD hay 1,8% xuống 104,27 USD/thùng.

Nếu Mỹ và các nước khác trên thế giới rơi vào suy thoái thì nhu cầu có thể ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra giá xăng cao có thể làm chậm nhu cầu.

Giá xăng bán lẻ của Mỹ hiện nay trung bình 4,94 USD/gallon, giảm khoảng 10 US cent so với mức đỉnh.

Các nhà máy lọc dầu lớn của Mỹ và Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm đã họp khẩn cấp về vấn đề này mà không có giải pháp cụ thể để giảm giá, nhưng hai bên đã đồng ý làm việc cùng nhau.

Theo ước tính mới nhất của Viện Dầu khí Mỹ, tồn kho dầu thô và xăng của nước này tăng trong tuần trước, cũng gây áp lực lên giá dầu.

OPEC và các nước sản xuất đồng minh gồm cả Nga sẽ duy trì kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 8 với hy vọng giảm giá dầu thô và lạm phát khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch thăm Saudi Arabia.

OPEC+ trong cuộc họp gần nhất ngày 2/6 đã đồng ý tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày (hay 7% nhu cầu toàn cầu) trong tháng 7 và tăng khối lượng tương tự trong tháng 8, tăng từ kế hoạch ban đầu bổ sung 432.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 7 tới tháng 9.

Vàng giảm do USD tăng giá

Giá vàng từ bỏ mức tăng ban đầu và đóng cửa giảm do USD lấy lại đà tăng sau khi Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell quyết tâm thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương này nhằm kiềm chế lạm phát.

Vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1,822,64 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,5% xuống 1.829,8 USD/ounce.

Sau khi Powell cho biết cam kết kiềm chế lạm phát của Fed là "vô điều kiện", chỉ số USD tiếp đà tăng, làm giảm nhu cầu vàng.

Các thị trường vàng và bạc cũng bị áp lực giảm bởi dự đoán kinh tế tổng thể chậm lại làm giảm nhu cầu mặc dù trạng thái trú ẩn an toàn của vàng đang hạn chế đà giảm.

Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 16 tháng

Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng do lãi suất tăng nhanh và số liệu kinh tế yếu làm dấy lên lo sợ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đóng cửa giảm 4,3% xuống 8.397 USD/tấn, giảm một ngày mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Giá đồng đã giảm hơn 20% từ mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn hồi tháng 3.

Việc tăng lãi suất mạnh mẽ có thể đẩy giá đồng giảm hơn nữa, nhưng giá đồng sẽ tăng đáng kể trong 5 năm nữa vì nhu cầu kim loại này tăng lên khi thế giới chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện khí hóa.

Tăng trưởng sản xuất chậm lại từ Châu Á tới Châu Âu trong khi nguy cơ suy thoái ngày càng tăng tại Mỹ đưa ra một mối đe dọa mới với nền kinh tế toàn cầu.

Dự trữ kẽm của sàn giao dịch LME giảm 2/3 trong tuần này xuống mức thấp nhất trong 24 năm. Mức cộng của giá kẽm giao ngay so với hợp đồng giao sau 3 tháng vọt lên 218 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 1997. Giá kẽm LME giảm 1,8% xuống 3.478,5 USD/tấn. Kẽm được sử dụng làm thép không gỉ. Thị trường kẽm và chì toàn cầu dư thừa trong tháng 4.

Quặng sắt phục hồi do hy vọng hỗ trợ từ Trung Quốc

Giá quặng sắt Đại Liên phục hồi, xóa đi những tổn thất trước đó do các thị trường Trung Quốc được hỗ trợ bởi cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 2,5% lên 749,5 CNY (111,77 USD)/tấn, phục hồi từ mức thấp nhất 16 tuần đã chạm tới trong ngày 22/6.

Đợt giảm giá trong đầu phiên đã đẩy quặng sắt Đại Liên theo xu hướng có chuỗi sụt giảm dài nhất kể từ khi ra mắt giao dịch hàng hóa kỳ hạn năm 2013 trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 7 tại Singapore tăng 5,6% trong phiên lên 114,2 USD/tấn.

Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh điều chỉnh chính sách vĩ mô và thực hiện thêm các biện pháp hiệu quả hơn để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội hàng năm trong khi giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 càng nhiều càng tốt.

Thép thanh tại Thượng Hải tăng 1,6%, thép cuộn cán nóng tăng 0,9%. Thép không gỉ tăng 1,1%.

Cao su Nhật Bản giảm nhẹ

Giá cao su tại Nhật Bản giảm nhẹ do số liệu sản xuất trong nước đi xuống trong khi doanh số bán lẻ ô tô mạnh mẽ từ Trung Quốc làm tăng hy vọng phục hồi nhu cầu.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,2 JPY hay 0,1% xuống 253,8 JPY (1,87 USD)/kg.

Doanh số bán ô tô của Trung Quốc bổ sung lạc quan cho thị trường này và nhu cầu cao su tự nhiên sẽ được cải thiện ở nước này.

Tập đoàn Toyota đã cắt giảm kế hoạch sản lượng toàn cầu 50.000 xe do tình trạng thiếu IC và gián đoạn nguồn cung do Covid-19.

Cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 9 tăng 155 CNY lên 12.755 CNY (1.902,65 USD)/tấn, ngày tăng theo phần trăm mạnh nhất kể từ 9/6.

Đường giảm

Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,7 US cent hay 0,4% xuống 18,38 US cent/lb, trong phiên có lúc giá xuống 18,36 US cent, thấp nhất kể từ giữa tháng 5.

Đồng real của Brazil suy yếu khiến các nhà xuất khẩu nước này tăng lợi nhuận tính theo đồng nội tệ, trong khi giá năng lượng đang giảm thúc đẩy các nhà máy mía đường của Brazil sản xuất nhiều đường hơn và ít ethanol hơn.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 2 USD hay 0,4% xuống 551 USD/tấn.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa 7,4 US cent hay 3,1% xuống 2,2900 USD/lb, giá đã ở mức cao nhất trong hai tuần vào phiên trước đó.

Dự trữ cà phê được sàn ICE chứng nhận ở mức thấp nhất 22 năm. Thời tiết khô hạn mở rộng khắp khu vực trồng cà phê của Brazil cũng hỗ trợ giá.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 27 USD hay 1,3% xuống 2.086 USD/tấn.

Tại Việt Nam giá cà phê tăng trong tuần này do nguồn cung hạn chế vào cuối vụ, tỷ giá hối đoái tăng và giá tại London phục hồi.

Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 42.700 – 43.700 đồng (1,84-1,88 USD)/kg, tăng từ 41.500 – 42.200 đồng/kg một tuần trước. Giá trong nước phù hợp với biến động của hợp đồng cà phê kỳ hạn tháng 9 tại London.

Mưa ổn định tại vành đai cà phê cung cấp đủ nước cho vụ tới dự kiến bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 11 hay đầu tháng 12.

Các thương nhân đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 140 – 160 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 tại London, một tuần trước mức trừ lùi là 160 USD.

Tại Indonesia, một thương nhân ở Sumatran cho biết cà phê robusta được chào bán ở mức trừ lùi 140 – 150 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tại London, không đổi so với một tuần trước.

Xuất khẩu cà phê robusta Sumatran giảm 72% trong tháng 5 so với cùng tháng năm trước xuống 2.633,28 tấn.

Giá gạo Ấn Độ giảm

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm trong tuần này bất chấp nhu cầu mạnh do đồng rupee ở mức thấp kỷ lục.

Gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ được chào bán ở mức 355 – 360 USD/tấn so với 357-362 USD/tấn một tuần trước. Trong ngày 22/6 đồng rupee của Ấn Độ đã ở mức thấp kỷ lục so với USD, làm tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Nhưng nhu cầu đối với gạo tấm trắng của Ấn Độ rất mạnh do giá cạnh tranh hơn các nhà xuất khẩu đối thủ.

Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì bất ngờ của Ấn Độ trong tháng trước đã thúc đẩy các thương gia tăng mua và đặt các đơn hàng bất thường giao hàng lâu hơn.

Tại Bangladesh, lũ lụt chết người đã gây thiệt hại cho 75.000 ha lúa. Bangladesh theo truyền thống là nhà sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới, dựa vào nhập khẩu để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai gây ra.

Gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 420 – 425 USD/tấn từ mức 430 – 440 USD/tấn một tuần trước do đồng baht yếu, ở gần mức thấp nhất 5,5 năm so với USD và áp lực từ giá dầu đang tăng.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng giảm xuống 418 - 423 USD/tấn so với 420 – 425 USD một tuần trước.

Ngô, đậu tương, lúa mì giảm do lo lắng về kinh tế

Giá ngô, lúa mì và đậu tương sụt giảm do nhà đầu tư lo sợ suy giảm kinh tế và tâm lý cải thiện về cây trồng của Mỹ.

Lúa mì đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/3, đậu tương xuống thấp nhất kể từ ngày 11/5 và ngô thấp nhất kể từ ngày 6/6.

Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 21-1/4 US cent xuống 7,46-3/4 USD/bushel.

Đậu tương giảm lần thứ 8 trong 9 phiên với áp lực bổ sung từ giá dầu giảm.

Đậu tương kỳ hạn tháng 7 giảm 59-1/2 US cent xuống 15,93-1/4 USD/bushel.

Lúa mì vụ đông đỏ mềm kỳ hạn tháng 9 giảm 39-1/2 US cent xuống 9,49-1/4 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 24/6

 

https://cafef.vn/thi-truong-ngay-24-6-gia-dau-giam-gan-2-usd-thung-vang-ngo-lua-mi-dau-tuong-dong-loat-giam-dong-thap-nhat-16-thang-20220624064615683.chn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật