A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần truy lại việc cấp phép khi thanh tra doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Theo các chuyên gia trong ngành xăng dầu, khi Bộ Công Thương thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, phân phối kinh doanh xăng dầu thì cần thiết phải truy lại ngay việc cấp phép đối với những doanh nghiệp này. 

Cung cấp nhiều tài liệu để thanh kiểm tra thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký quyết định thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành với các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu. Bộ này đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để thực hiện và công bố hoạt động thanh tra chuyên ngành với các doanh nghiệp này.

Việc thanh tra sẽ được các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương thực hiện bao gồm tất cả các nội dung liên quan đến quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu của những doanh nghiệp đầu mối, bao gồm cả hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, điều kiện phòng cháy chữa cháy, quy định về sở hữu, đồng sở hữu về phương tiện, tàu, kho bể, hệ thống phân phối.

Theo nguồn tin của Lao Động, Thanh tra Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động thanh tra. 

Lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra và phát hiện cây xăng ở Vĩnh Long “có hàng nhưng không bán“. Ảnh: MOIT

Lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra và phát hiện cây xăng ở Vĩnh Long “có hàng nhưng không bán“. Ảnh: MOIT 

Thanh tra Bộ đề nghị Vụ Thị trường trong nước cung cấp cho Thanh tra Bộ Công Thương các tài liệu liên quan như giấy phép kinh doanh; giấy xác nhận của Bộ Công Thương cho các thương nhân đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu.

Bảng kê cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu (cầu cảng, kho tiếp nhận, kho chứa xăng dầu, phương tiện vận tải xăng dầu) thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu.

Bảng kê hệ thống phân phối xăng dầu (cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu.

Bộ Công Thương cho rằng, cần thiết phải tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành để chấn chỉnh và làm lành mạnh thị trường xăng dầu.

Công tác quản lý số lượng, chất lượng đầu ra xăng dầu còn nhiều bất cập, sơ hở

Trên thực tế, việc cấp phép hoạt động xăng dầu trong thời gian vừa qua được đánh giá là tràn lan, có nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật, buôn bán xăng dầu giả, buôn bán hoá đơn. Chính vì vậy, việc thanh tra các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, cơ quan thanh tra cần truy lại việc cấp phép đối với những doanh nghiệp này.

Đơn cử, mới đây nhất, Công an Đồng Nai đã ban hành kết luận điều tra, cáo buộc bà Mai Thị Dần - Giám đốc Công ty TNHH Hà Lộc (thương nhân kinh doanh xăng dầu lớn nhất Vũng Tàu) điều hành đường dây buôn lậu xăng "đặc biệt lớn", độc lập với đường dây 200 triệu lít, cung cấp xăng lậu cho nhiều doanh nghiệp tiêu thụ tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đăk Lăk, Khánh Hòa...

Trong đó, Nguyễn Thăng Long (ngụ Đồng Nai) là một trong những đầu mối tiêu thụ xăng lậu của bà Dần, được cho là đã mua khoảng 3,5 triệu lít. Ngoài ra, Long còn tiêu thụ xăng lậu từ đường dây của Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cũng trong đường dây 200 triệu lít xăng dầu lậu.

Một chuyên gia ngành xăng dầu cho rằng, dù kinh doanh xăng dầu là một trong những ngành kinh doanh có điều kiện với mức độ cạnh tranh rất gắt gao, nhưng cũng là lĩnh vực giúp doanh nghiệp có được mức lợi nhuận cao. Chính vì vậy đã dẫn tới "bùng nổ" số lượng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu những năm qua.

Theo thống kê, hiện tại có khoảng hơn 300 thương nhân phân phối xăng dầu trên cả nước và gần 40 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

"Cùng với lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu, có nhiều cách để doanh nghiệp dễ dàng huy động được lượng vốn lớn cũng như có thể "tận dụng" giấy phép kinh doanh để gia tăng doanh thu. Trong đó, có nhiều thương nhân sử dụng tiền vay ngân hàng, sau đó dùng vào việc đầu tư bất động sản", vị này nói.

Bộ Công an cũng khẳng định, trong thời gian vừa qua, công tác quản lý về số lượng, chất lượng đầu ra xăng dầu tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ còn nhiều bất cập, sơ hở.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua lẻ xăng dầu thường không cần hoá đơn, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở này để tuồn xăng dầu giả, xăng dầu lậu với số lượng lớn ra tiêu thụ (như vụ tiêu thụ 137 triệu lít xăng giả, 1,6 triệu lít dầu DO giả của nhóm đối tượng Trịnh Sướng; vụ bắt giữ 2 triệu lít xăng giả tại Nghệ An…). Chính vì vậy, Bộ Công Thương cần có hướng khắc phục trình trạng này.

Đề nghị bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu

Góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83, một chuyên gia cho biết đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này.

Cụ thể, ông kiến nghị: "Bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu, vì thương nhân phân phối xăng dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng doanh nghiệp đầu mối - nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu.

Nếu loại bỏ được loại hình thương nhân phân phối xăng dầu này sẽ giảm thiểu được tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tránh được tình trạng khi thiếu nguồn cung trong nước, bởi loại hình thương nhân này chỉ mua từ các đầu mối và bán lại cho các đại lý".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật