Chuyện gì đây: Startup thời trang nhanh Shein bị tố lách luật trốn thuế, thu lợi từ "chất xám" của đối thủ, đang bị điều tra
Sự nổi tiếng của Shein tỷ lệ thuận với tai tiếng mà nó phải đối mặt.
Cụ thể, Liên minh công nhân dệt may Nam Phi và Liên đoàn bán lẻ quốc gia Nam Phi cáo buộc Shein cố tình gửi hàng trong các kiện nhỏ có giá trị thấp để giảm thuế nhập khẩu. Người phát ngôn của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh từ chối cung cấp thông tin chi tiết về cuộc điều tra, song khẳng định nó được thực hiện để giải quyết lo ngại của tổ chức. Trước đó, các nhà sản xuất và hiệp hội tại Mỹ cũng gửi đơn khiếu nại, cho rằng Shein và các nhà bán lẻ Trung Quốc khác đang lợi dụng kẽ hở trong luật hải quan để nhập hàng hóa không cần trả thuế.
Shein, hiện đặt trụ sở tại Singapore, đã trở thành một trong những nhà bán lẻ thời trang trực tuyến lớn nhất thế giới thông qua việc vận chuyển hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đến tận tay người tiêu dùng tại hơn 150 quốc gia. Áo nữ trên trang web thường được bán với giá 2 USD, trong khi một số mẫu váy có giá dưới 5 USD.
“Điều tra bước đầu cho thấy công ty này đã lách luật. Dưới một ngưỡng giá trị nhất định, bạn sẽ không phải trả thuế giống như khi nhập khẩu hàng chục nghìn bộ quần áo”, Etienne Vlok, đại diện liên minh cho biết.
Được biết chính phủ Nam Phi thường tính thuế từ 40% đến 45% đối với quần áo nhập khẩu, tùy thuộc vào giá trị của chúng. Tuy nhiên, Shein có thể chỉ cần trả mức thuế từ 10% đến 20%.
“Nếu đúng như vậy, chúng ta nên tìm cách lấp kẽ hở đó”, Vlok nói. “Shein dường như không tuân thủ đúng luật”.
Đáp lại, đại diện Shein cho biết công ty vẫn luôn cam kết tuân thủ luật pháp địa phương và các quy định của thị trường.
Nhiều tổ chức tại Mỹ trước đó cũng bày tỏ những quan ngại tương tự về một đạo luật, được gọi là quy tắc tối thiểu. Nó cho phép khách du lịch Mỹ mua những món quà lưu niệm miễn thuế từ nước ngoài và hiện đang được các công ty tận dụng để tránh mất hàng tỷ USD tiền thuế.
Luật này cũng cho phép các nhà bán lẻ Mỹ bán hàng nhập khẩu Trung Quốc và các công ty Trung Quốc bán trực tiếp tới người tiêu dùng Mỹ không phải trả thuế quan, miễn là giá trị các kiện hàng giới hạn trong khoảng 800 USD.
Được biết chỉ trong vài năm, tập đoàn may mặc khổng lồ Shein của Trung Quốc đã chiếm phần lớn thị phần trong phân khúc quần áo giá rẻ phục vụ người tiêu dùng Gen-Z. Dưới sự hỗ trợ của các nhà đầu tư tên tuổi như Sequoia Capital China hay General Atlantic, hãng này đã chứng kiến một đà tăng trưởng bùng nổ.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng đi kèm với tai tiếng. Không chỉ bị tố là trốn thuế, Shein còn bị cáo buộc thu lợi từ “chất xám” của các thương hiệu khác. Tính đến tháng 7/2022, 50 vụ kiện trên khắp các tiểu bang Mỹ đã được đệ trình, cho rằng thương hiệu Trung Quốc này đang vi phạm bản quyền nhãn hiệu.
Phía nguyên đơn bao gồm những nhà thiết kế thời trang lớn nhỏ hoạt động ngoài studio hoặc các đại gia bán lẻ, chẳng hạn như Ralph Lauren Corp hay nhà sản xuất kính râm Oakley. Họ phàn nàn rằng các thiết kế của mình xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông của Shein mà không hề được cho phép.
Hầu hết các đơn kiện đều được Shein dàn xếp ổn thỏa, song khoản tiền bồi thường cụ thể không được tiết lộ. Trong một số trường hợp, Shein đổ lỗi cho các bên cung cấp để trốn tránh trách nhiệm.
Theo WSJ, hồi tháng 3, thương hiệu thời trang Stussy đã kiện Shein với cáo buộc rằng công ty Trung Quốc này đã bán các sản phẩm áo sơ mi và giày mang logo của hãng mà không hề xin phép. Chiếc áo được bày bán trên trang web của Shein với giá 17,67 USD, theo đơn kiện của Stussy. Shein tất nhiên phủ nhận mọi cáo buộc.
“Chúng tôi không có ý định vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bất kỳ ai và đó không phải là mô hình kinh doanh của chúng tôi”, đại diện Shein cho biết. “Các nhà cung cấp của Shein đều được yêu cầu tuân thủ đúng chính sách của công ty và chứng minh sản phẩm của họ không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và cải thiện quy trình đánh giá sản phẩm của mình’’. Ngoài ra, phía Shein cũng khẳng định, nếu các chủ sở hữu trí tuệ đưa ra các lá đơn khiếu nại hợp pháp, Shein sẽ giải quyết kiện tụng ngay lập tức.
Theo WSJ, các cáo buộc vi phạm bản quyền trong ngành thời trang nhanh không phải là hiếm, khi các nhà bán lẻ luôn phải chịu áp lực duy trì giá bán thấp và không ngừng làm mới sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng các lá đơn kiện chống lại Shein lại nhiều hơn hẳn so với các đối thủ cùng ngành.
“Shein là một trong số những nhà bán lẻ thời trang nhanh bị cho là vi phạm bản quyền thiết kế. Rủi ro từ các vụ kiện này là chi phí kinh doanh sẽ tăng lên’’, Susan Scafidi, Giáo sư thuộc Trường Luật Fordham kiên người sáng lập Học viện Luật Thời trang cho biết.
Theo WSJ, sở dĩ Shein có thể bán hàng nghìn sản phẩm mới mỗi ngày với mức giá rất thấp một phần là do biết cách tận dụng chuỗi cung ứng hàng may mặc phát triển tại Trung Quốc. Các mặt hàng chủ lực như áo phông và quần short thường chỉ có giá dưới 5 USD.
Bằng cách nhắm mục tiêu tới đối tượng người tiêu dùng phương Tây và nói “không’’ với các cửa hàng truyền thống, Shein trở thành trung tâm của cơn sốt mua sắm trực tuyến. Theo ước tính của Credit Suisse, doanh số bán hàng của công ty tư nhân này đã tăng gấp 6 lần chỉ sau 2 năm lên 19 tỷ USD trong năm 2021, gần tương đương với doanh thu mà H&M tạo ra.
Theo: WS