A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội, thách thức với doanh nghiệp ngành nhựa

Ngành nhựa Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn từ việc thực thi chính sách Quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), tới việc thị trường chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong thách thức cũng mở ra cơ hội nếu DN Việt nắm bắt được kịp thời.

Nắm bắt công nghệ mới

Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam Huỳnh Thị Mỹ cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 4.000 DN ngành nhựa, lượng tiêu thụ chất dẻo khoảng 62kg/người và có 250.000 lao động thường xuyên trong lĩnh vực này.

Về cơ cấu thị trường nhựa tại Việt Nam, DN sản xuất trong mảng nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38%. Tiếp theo là các DN hoạt động trong lĩnh vực nhựa gia dụng và nhựa xây dựng chiếm lần lượt 30% và 21%, 11% còn lại hoạt động trong lĩnh vực nhựa kỹ thuật.

Khách tham quan tìm hiểu thiết bị, vật liệu và trao đổi cơ hội hợp tác tại HanoiPlas 2024. Ảnh: Nguyễn Hải

Khách tham quan tìm hiểu thiết bị, vật liệu và trao đổi cơ hội hợp tác tại HanoiPlas 2024. Ảnh: Nguyễn Hải

Còn theo vùng miền, DN nhựa tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 83,23%; khu vực miền Bắc và miền Trung lần lượt là 15,22% và 1,57%.

Trong khi đó, từ tháng 1/2024, theo quy định thực thi EPR chính thức có hiệu lực yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm như pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của mình sau khi người tiêu dùng thải bỏ theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.

Cũng theo bà Huỳnh Thị Mỹ, vấn đề ô nhiễm nhựa, chính sách giảm thiểu sử dụng nhựa nguyên sinh, nhựa sử dụng một lần và tăng cường sử dụng nhựa tái chế trên toàn cầu, nhất là những thị trường lớn như Trung Quốc hoặc Malaysia, Philippines trong thời gian tới sẽ tạo ra thách thức cho các DN trong ngành, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội nếu biết nắm bắt kịp thời.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam Đinh Đức Thắng cho rằng, để tiếp cận được yêu cầu đối với sản phẩm nhựa trên thế giới, các DN nhựa, nhà sản xuất trong nước cần tìm kiếm công nghệ, nguyên vật liệu mới phù hợp, thân thiện với môi trường để có thể đáp ứng được xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến sản phẩm nhựa bền vững và thân thiện với môi trường.

Chủ động ứng phó

Các chuyên gia trong ngành đều nhìn nhận, trong mấy năm gần đây, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng bằng nhựa sụt giảm đáng kể, khiến sản lượng đi xuống. Tuy nhiên, giá hạt nhựa PVC, PE, PP đầu vào được giao dịch ở mức ổn định trong năm 2023, giúp các DN nhựa giảm chi phí đầu vào và cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Với Công ty CP Nhựa Bình Minh trong quý I/2024, doanh thu đạt 1.003 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, biên lãi gộp của DN sản xuất ống nhựa vẫn tích cực, đạt 42,4%, nhờ giá hạt nhựa PVC thấp. Sau khi trừ các khoản chi phí, DN này thu về 190 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.

Để đạt được hiệu quả kinh doanh trong thời điểm khó khăn hiện nay, Phó Chủ tịch Công ty CP Nhựa Bình Minh Chaowalit Treejak thông tin, DN quản lý chặt chẽ quy trình chuỗi cung ứng, cải thiện lượng hàng tồn kho, nỗ lực trong hoạt động tiếp thị và bán hàng.

Về đầu tư sản xuất, bên cạnh chủ động cam kết về môi trường, Nhựa Bình Minh đã phát triển hệ thống tự động hóa và hạ tầng IoT nhằm đảm bảo tính đồng nhất về chất lượng cao, tăng năng lực sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm.

Đại diện Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng chia sẻ, nhu cầu xây dựng và sử dụng ống nhựa trong thời gian tới nhiều khả năng khó tăng trưởng do các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản cần có thời gian để phát huy; trong khi đó, việc phát hành trái phiếu DN bất động sản, và cấp tín dụng cho ngành này ngày càng chặt chẽ hơn.

Để mở rộng thị trường, công ty đã hợp tác với hãng Sekisui (Nhật Bản) để nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất ống và phụ tùng bằng nhựa cPVC sử dụng cho hệ thống phòng cháy chữa cháy thay thế ống gang mạ kẽm hiện nay.

Dự kiến trong quý III/2024, dòng sản phẩm trên sẽ được sản xuất đại trà, tung ra thị trường và kỳ vọng đem lại nguồn doanh thu mới cho Nhựa Tiền Phong trong các năm tới.

Bên cạnh đó, thông qua việc hợp tác với hãng Sekisui, Nhựa Tiền Phong đã sản xuất và xuất khẩu được một số sản phẩm dòng sản phẩm sang châu Âu, mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Trong năm nay, công ty sẽ tiếp tục gia công các sản phẩm cho đối tác tại Autralia và New Zealand để tăng cường nguồn thu.

 

Theo thống kê, doanh thu ngành nhựa năm 2023 đạt 25 tỷ USD, giảm 0,67% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu nhựa 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3,29 triệu tấn với trị giá 4,52 tỷ USD, tăng 28% về lượng và tăng 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam trong 6 tháng năm 2024 tăng mạnh, đạt trên 3,15 tỷ USD, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm 2023.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan