A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hậu Giang: Dư nợ tín dụng lĩnh vực kinh tế tập thể tăng 19,69%

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang có nhiều giải pháp và chính sách để thúc đẩy phát triển hợp tác xã, kinh tế tập thể. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07 ngày 9/11/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, việc các cấp ủy, chính quyền, sở, ban ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 đã kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là về nguồn vốn tín dụng… Nhờ đó, hoạt động hợp tác xã và kinh tế tập thể trên địa bàn có bước chuyển biến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thành viên hợp tác xã và người dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 778 tổ hợp tác, với 11.402 thành viên, 11.468 lao động, vốn hoạt động gần 27,5 tỷ đồng; 277 hợp tác xã, với 8.551 thành viên, 13.012 lao động, vốn hoạt động trên 517,8 tỷ đồng; 4 Liên hiệp hợp tác xã, với số lượng thành viên tham gia là 70 hợp tác xã, có 77 lao động làm việc thường xuyên trong Liên hiệp hợp tác xã, tổng vốn hoạt động là 7,9 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã khoảng 1,8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.

5-20240404085955.jpg

Ngành Ngân hàng trên địa bàn đã đẩy mạnh cho vay vốn tín dụng lĩnh vực kinh tế tập thể không ngừng tăng trưởng. Ảnh: Internet

Đáng chú ý, từ khi có Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Hậu Giang, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã đẩy mạnh cho vay vốn tín dụng lĩnh vực kinh tế tập thể không ngừng tăng trưởng.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang, đến nay, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 41.920 tỉ đồng, tăng trưởng 4,78% so với cuối năm 2023, trong đó: dư nợ tín dụng ngắn hạn là 20.750 tỷ đồng, chiếm 50,58% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn là 20.270 tỷ đồng, chiếm 49,42% tổng dư nợ. Nợ xấu được duy trì dưới mức 3%/tổng dư nợ theo mục tiêu đề ra.

Một số chương trình tín dụng trọng điểm theo các đề án, chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chính quyền địa phương đạt được kết quả tốt, tăng trưởng trên 7% trở lên so cuối năm 2023, như: cho vay thu mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng; các chương trình tín dụng chính sách và cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, có 2 chương trình tỷ lệ tăng trưởng từ 15% - 19% là cho vay lĩnh vực kinh tế tập thể tăng trưởng 19,69% và chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tăng trưởng 15,89% so với cuối năm 2023, với 747 doanh nghiệp được tiếp cận vốn.

Nhìn chung, mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển khá đa dạng, phong phú với nhiều loại hình ngành nghề khác nhau, như: trồng trọt, sản xuất cây, con giống, làm đất, thủy lợi, chăn nuôi, thủy sản, cây ăn trái, đan đát, tín dụng… Qua đây, góp phần nâng cao nguồn thu nhập và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên.

Mặt khác, Liên minh hợp tác xã tỉnh còn triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, đề án có liên quan đến mô hình kinh tế tập thể của Trung ương và của tỉnh, nhất là Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Về nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số công việc, như: tiếp tục đẩy mạnh cho vay vốn tín dụng các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả; đặc biệt là thường xuyên theo dõi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của tổ hợp tác, hợp tác xã để kịp thời tháo gỡ hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi để phát triển bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật