A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HSBC: Việt Nam hiện tại có thể sánh với Singapore về mức độ tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu

Đây là nhận định của HSBC trong báo cáo mới nhất với tiêu đề "Vietnam at a glance - FDI Phần 1: Điểm lại những yếu tố cơ bản".

 

HSBC: Việt Nam hiện tại có thể sánh với Singapore về mức độ tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu- Ảnh 1.

 

Báo cáo "Vietnam at a glance - FDI" của HSBC phát hành mới đây cho thấy, Việt Nam đã hưởng dòng vốn FDI ổn định trên 4% GDP, thuộc hàng cao nhất ở ASEAN (tính tỷ trọng trên GDP). Chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư thuận lợi đóng vai trò trọng yếu trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là công ty sản xuất, đến Việt Nam xây dựng nhà máy và xuất khẩu hàng hóa từ đây đi.

Song, trong bối cảnh đầu tư toàn cầu đã dịch chuyển, cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút FDI trở nên căng thẳng trước những diễn biến như thực thi Thuế tối thiểu Toàn cầu, có nhiều câu hỏi dấy lên rằng liệu Việt Nam có thể duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ đổ về kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.

Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng cho FDI

Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã vươn mình trở thành một cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu đã tăng hơn 13% bình quân hàng năm từ 2007, chiếm lĩnh chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ trước tới nay, các dòng vốn FDI chủ yếu đến từ Hàn Quốc, đáng chú ý nhất là Samsung. Kể từ khi Samsung thành lập nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên ở tỉnh Bắc Ninh vào năm 2008 tới nay, hơn một nửa sản phẩm điện thoại thông minh toàn cầu của hãng này được sản xuất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 20 tỷ USD. Không chỉ vậy, các công ty sản xuất Trung Quốc hàng đầu đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, với gần 20% vốn FDI đăng ký mới bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục trong năm 2023.

"Nỗ lực của những doanh nghiệp thâm nhập thị trường sớm này đã khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn khác đầu tư vào năng lực sản xuất của Việt Nam", báo cáo đánh giá.

photo-1723166662491

Hàn Quốc là quốc gia cung cấp FDI hàng đầu nhưng Trung Quốc cũng đang dần đuổi kịp

 Các chuyên gia của HSBC phân tích, sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam tăng mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. 

Theo OECD, Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhờ vậy, những bước tiến này đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở nên ngày càng cởi mở hơn với FDI.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân của môi trường đầu tư thuận lợi có thể lý giải là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ thông qua hệ thống thuế. Việt Nam có vị thế cạnh tranh so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định 20%. Một số doanh nghiệp có thể tận dụng các đợt miễn và giảm thuế kéo dài để giảm thêm mức thuế suất thực tế phải chịu.

Theo các chuyên gia của HSBC, tính đến hiện tại, các yếu tố hấp dẫn đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và giúp Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

"Thực tế, mức độ tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng mạnh qua các năm, hiện tại có thể sánh với Singapore", báo cáo nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, theo HSBC, sự gia tăng hội nhập lại chủ yếu diễn ra thông qua liên kết ngược nhiều hơn. Việt Nam hiện tại được định vị là trung tâm nhập khẩu đầu vào trung gian phức tạp cho khâu lắp ráp cuối cùng, minh chứng là tỷ lệ nội địa hóa thấp trong ngành hàng điện tử.

photo-1723166975104

Việt Nam hội nhập sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, Việt Nam cần gì?

Theo HSBC, để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, điều quan trọng là Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất và nâng phần giá trị cộng thêm nội địa trong những hàng hóa này. So với mức tăng mạnh của xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng, tỷ trọng của Việt Nam trong xuất khẩu vi mạch tích hợp (IC) toàn cầu tăng trưởng với tốc độ chậm hơn. 

Chưa kể, báo cáo cho hay, mặc dù lao động có nền tảng giáo dục vững vàng, sự thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật dẫn đến những khó khăn trong phát triển năng lực sản xuất chất bán dẫn. Điều này thôi thúc Chính phủ phải tìm cách mở rộng nguồn nhân lực ngành bán dẫn trong những năm tới.

Sự thiếu hụt nhân công có chuyên môn cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, chẳng hạn như logistics và vận tải hàng hải. Bên cạnh mở rộng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp ở cấp độ quốc gia, cần thêm nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ khuyến khích sự tham gia của các công ty nước ngoài với nền kinh tế trong nước có thể giúp tăng lợi ích của các dòng vốn FDI ngày càng phức tạp. Điều đáng khích lệ là nhiều kiến thức và quy trình sản xuất phức tạp đã bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam.

Chẳng hạn, công ty sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ Synopsys mới đây ký thỏa thuận hợp tác làm việc cùng sinh viên và giảng viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong thiết kế, đào tạo và nghiên cứu vi mạch.

Năm 2022, Samsung thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội nhằm phát triển thêm năng lực sản xuất, đồng thời bắt đầu sản xuất một số thành phần bán dẫn. Trong khi đó, Apple cũng gia tăng tầm ảnh hưởng ở Việt Nam, phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm cho iPad.

Các yếu tố như chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần được tích cực giải quyết trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi tại nhiều nước. Các biện pháp như tận dụng số hóa để quy trình thương mại được thông suốt, đảm bảo năng lượng ổn định và xanh, cũng như tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng có khả năng ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong những năm tới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan