Khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh
Hàng loạt giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau bão số 3 vẫn đang được tích cực triển khai.
"Trắng tay" do bão lũ
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của. Thời điểm này như mọi năm nhiều diện tích trồng quất tại phường Tứ Liên, Hà Nội sẽ tràn ngập màu xanh của lá và của quả. Tuy nhiên, do vừa qua nước sông Hồng dâng cao bởi trận lũ, nên vườn quất của nhiều hộ dân đã bị mất trắng, có hộ thì vẫn còn vớt vát được chút ít nhưng cũng không đáng là bao.
Bà Hà Thị Thúy Loan - phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP Hà Nội cho biết, gia đình bà có 800 cây quất cảnh thì giờ chỉ còn sống được 50 cây. Còn nước còn tát, bà đang cố chăm sóc cho những cây còn lại. "Tôi đầu tư 400 triệu giờ mất trắng, chỉ nhờ mọi người chạy giúp được có 50 - 60 cây", bà Loan chia sẻ.
Còn tại Hải Dương - nơi tập trung khá lớn diện tích rau màu và cây ăn quả khu vực phía Bắc, sản xuất nông nghiệp cũng bị thiệt hại nặng nề. Tại Hợp tác xã Tân Minh Đức, huyện Gia Lộc, Hải Dương, vườn dưa lưới được trồng theo công nghệ cao của hợp tác xã này, chỉ sau một đêm đã trở thành một đống hoang tàn khi cơn bão số 3 đi qua. Hiện người dân ở đây cũng không có đủ tiền thuê người dọn dẹp để bắt tay vào vụ mùa mới.
Những trái dưa ở đây từng là trái ngọt cho họ hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thì nay đã trở thành những gánh nặng cho người nông dân ở đây. Cả Hợp tác xã Tân Minh Đức có hơn 40 ha trồng dưa lưới công nghệ cao, tính đến nay thiệt hại lên tới 180 tỷ đồng, gồm cả tiền hoa màu và tiền nhà màng bị hư hỏng.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại lớn đối với nông nghiệp.
Cũng thiệt hại nặng nề bởi bão số 3, ông Phạm Văn Nhãn Nhãn - Thành viên HĐQT Công ty Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải không khỏi xót xa khi nhìn cơ ngơi của gia đình tan hoang. Ông cho biết, xưởng nước mắm có tuổi đời gần bằng cả cuộc đời ông. Hơn 60 năm, lần đầu tiên ông chịu tổn thất lớn đến như vậy khi 42.000m2 nhà xưởng không nơi nào nguyên vẹn sau cơn bão số 3. Hàng trăm bể nước mắm bị bão hất tung mái che, nước mưa ngấm vào toàn bộ nguyên liệu. Hơn 1.000 tấn cá vừa ủ muối, giờ cũng chỉ trông chờ vào trời thương. Nỗi lòng ông Nhãn giờ mặn chát hơn muối.
Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9/2024, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã có 329 người chết, mất tích; khoảng 1.929 người bị thương; gần 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gãy đổ…
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhiều công trình thiết yếu, dân sinh bị hư hại.
Rất nhiều diện tích hoa màu và cây cảnh của bà con nông dân bị thiệt hại bởi cơn bão số 3.
Hỗ trợ "nhanh, trực tiếp" các đối tượng bị ảnh hưởng
Nhằm khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, ngày 15/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã tổ chức hội nghị với các bộ, ngành, địa phương bị ảnh hưởng của bão số 3 để triển khai 4 nhiệm vụ lớn đó là: Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khôi phục sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với nhiệm vụ khôi phục sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
"Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng...; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...", Thủ tướng chỉ đạo.
Thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sau bão số 3, Tổng cục Thuế cũng vừa gửi công văn tới Cục thuế 26 tỉnh, thành nơi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Theo đó, Tổng cục Thuế nêu rõ về việc những chính sách ưu đãi về thuế dành cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão lũ. Trong đó có chính sách gia hạn nộp thuế từ 1 - 2 năm. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngoài được gia hạn thuế, thì người nộp thuế bị thiệt hại do bão lũ còn hưởng nhiều ưu đãi khác về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Nếu người nộp thuế có thiệt hại về vật chất sẽ được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào cũng như tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu như những khoản chi này không được bảo hiểm bồi thường. Ngoài ra, một số sắc thuế khác như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế phi nông nghiệp cũng có quy định miễn giảm thuế cho người nộp thuế khi gặp thiệt hại vật chất do thiên tai", bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Tổng cục Thuế thông tin.
Trước tình hình thiệt hại của người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo và chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định pháp luật. Những ngày qua, các ngân hàng cũng đã đồng loạt thông báo triển khai các chính sách hỗ trợ giúp đỡ khắc phục hậu quả sau bão.
Hàng loạt giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau bão số 3 vẫn đang được tích cực triển khai. Ảnh minh họa.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,8-7%. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ giao Bộ Tài chính sớm thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Các công ty bảo hiểm rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm, tạm ứng bồi thường cho các khách hàng bị ảnh hưởng.
Bộ Công Thương cũng được giao đề xuất chính sách hỗ trợ khôi phục các cơ sở logistic và kho bãi bị hư hỏng để đảm bảo không gián đoạn chuỗi cung ứng. Cơ quan này cũng cần nghiên cứu áp giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch bằng với sản xuất. Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy nhanh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách. Bảo hiểm Xã hội nghiên cứu gia hạn nộp với các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại.
Hàng loạt giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát sau bão số 3 cũng được Chính phủ nêu rõ trong Nghị quyết số 143/NQ-CP ban hành ngày 17/9. Trong đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ ngành, địa phương cần có giải pháp hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng trong tháng 9 và 10. Một số chính sách cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài đến hết 2025.
“Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá”, Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 nêu rõ.
Theo Thuỳ Linh
VTV