Kinh tế 7 tháng duy trì xu hướng tích cực
Mặc dù còn gặp nhiều thách thức, kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm vẫn duy trì được xu hướng tích cực. Các lĩnh vực quan trọng xuất, nhập khẩu, FDI, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận xu hướng tích cực.
Nhiều ngành đạt kết quả quan trọng
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024 đạt gần 440 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD).
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực. 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%...
Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 10,76 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký. Vốn FDI thực hiện ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua...
Du lịch tăng trưởng tích cực. Nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh đã thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
7 tháng 2024, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là gần 139.500 doanh nghiệp, trong khi có 125.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, còn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường một tháng là hơn 17.900 doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực đầu tư
Dù vậy, nền kinh tế cũng vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, áp lực lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tình hình sản xuất - kinh doanh còn khó khăn, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét,
Chỉ số sản xuất công nghiệp (chỉ số IIP) tăng chưa vững chắc, không đồng đều giữa các ngành; Một số ngành, lĩnh vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, điển hình là lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu và sức mua chưa phục hồi mạnh mẽ, chi phí đầu vào còn cao, vẫn còn những nút thắt chưa được tháo gỡ trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản...
Nông nghiệp phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn, trong những tháng đầu năm và úng lụt trong mùa mưa bão đã ảnh hưởng, gây thiệt hại trong hoạt động sản xuất, đặc biệt tới sản xuất lương thực.
Vừa qua, Chính phủ đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5-7%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% tại Nghị quyết của Quốc hội.
Trong 7 tháng qua Chính phủ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong tháng 7, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn các Luật sửa đổi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Tổ chức tín dụng 2024... Đề xuất và được Quốc hội thông qua giảm nhiều loại thuế (nhất là giảm 2% VAT đến hết năm 2024), phí, lệ phí; gia hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...
Dù vậy, những tháng cuối năm vẫn cần thực thi nhiều chính sách hỗ trợ tiếp theo. Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, nếu đã muốn tăng trưởng năm 2024 đạt 6,5-7%, thì 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng trên 7%. “Phải có kế hoạch rõ ràng, cụ thể và có giải pháp để thực hiện”, ông Cao Viết Sinh nói và cho biết, khảo sát các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc mới đây cho thấy, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về các thủ tục môi trường, xây dựng, đầu tư… “Muốn tăng trưởng, phải kịp thời tháo gỡ”. Về lâu dài, ông Cao Viết Sinh cho rằng động lực tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn tới tiếp tục được đặt trọng tâm vào cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực đầu tư.
Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Nguyễn Bá Hùng cho rằng, hiện nay, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế bao gồm nhu cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư. Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và kích thích tiêu dùng trong nước. Việc thúc đẩy nhu cầu trong nước bao gồm tiêu dùng tư nhân, tiêu dùng chính phủ và đầu tư công. Ba yếu tố này phải được phát triển trước, thì đầu tư tư nhân mới phát triển sau được.
Để thúc đẩy những động lực trên, Chính phủ cần tập trung vào việc mở rộng chính sách tài khóa để có thể thực hiện chi tiêu công một cách hiệu quả hơn. Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể tạo thêm việc làm và thu nhập, giúp thu hút đầu tư tư nhân. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tăng cường đầu tư và tiêu dùng.
Ngoài ra, Chính phủ có thể tiếp tục giảm thuế và phí cho doanh nghiệp và người dân, giúp thúc đẩy tiêu dùng tư nhân, bởi vì với cùng một lượng tiền trong tay, người ta có thể mua nhiều hàng hóa hơn nhờ thuế giảm.
Nói về thúc đẩy tổng cầu, cả ông Cao Viết Sinh và Nguyễn Bá Hùng đều lưu ý, cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tập trung tháo gỡ các khó khăn trên thị trường bất động sản, gói tín dụng nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, như các giao dịch dân sự, thủ tục đầu tư, phòng cháy chữa cháy...; cải thiện môi trường kinh doanh...