Tập trung thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển KTXH năm 2024, trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn
Tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tổng vốn FDI đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỉ USD, tăng 35,6%; vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỉ USD, tăng 8,4%.
Chính phủ đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Trong đó cải cách chính sách tiền lương được tập trung triển khai; đã hoàn thiện các quy định để nâng mức lương cơ sở cho khu vực công, lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.
Về chính sách tiền tệ, NHNN tập trung giữ ổn định tỉ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.
Thúc đẩy chất lượng tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế cần đạt tăng trưởng quý III/2024 từ 6,5% đến 7,4%, nhằm tạo bản lề để hoàn thành và vượt mục tiêu phát triển KTXH năm 2024 với mức tăng trưởng 6,5%.
Nhìn nhận tích cực về tình hình KTXH, tiến sĩ Cấn Văn Lực - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - cho rằng, cần tập trung quyết liệt ban hành cũng như thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (pháp lý, định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội, phòng cháy chữa cháy…).
Về mục tiêu tăng trưởng, tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần phát huy hiệu quả động lực truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) đồng thời khai thác tốt hơn các động lực mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...) kết hợp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa và điều hành, phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỉ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.
Về lâu dài, ông Cấn Văn Lực khuyến nghị cần thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, như năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Các cấp quản lý đẩy mạnh hơn về cơ cấu lại nền kinh tế, nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả (như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại các dự án, các tổ chức tín dụng yếu kém) nhằm giảm rủi ro, chi phí, tăng tính lành mạnh và hiệu quả của thị trường.
Kiến nghị giải pháp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, nên có nghiên cứu cơ chế thuế phù hợp đối với hàng hóa nhập khẩu (qua kênh thương mại điện tử) để bảo đảm cân bằng giữa các mục tiêu thu thuế, kiểm soát chi phí liên quan đến thu thuế và tạo động lực phát triển cho thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm kỷ luật chi ngân sách Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu đề ra cho năm 2024 và giảm áp lực cho thu ngân sách. Mặt khác, cơ chế ngân sách ở cấp vùng cần phải được nghiên cứu và xây dựng, trong đó cân nhắc thành lập Quỹ đầu tư phát triển vùng. Điều này nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế và cải thiện liên kết vùng.
Kịp thời thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu; tranh thủ tối đa, có hiệu quả cơ hội phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, cơ hội xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực của nước ta, nhất là hàng nông sản.