Vốn và giải pháp gỡ khó để doanh nghiệp phát triển
Ngoài việc giảm lãi suất theo chỉ đạo, các ngân hàng đều có các chính sách ưu tiên cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Đã có khoảng 600 tỷ đồng vốn vay với lãi suất từ 1,2 - 4,4% được giải ngân thông qua Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa.
Rõ ràng những vẫn vướng
Hiện nay lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, DNNVV hiện đang tiếp cận được nhiều nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD), các quỹ đầu tư… Theo Trưởng phòng Hỗ trợ doanh nghiệp Quỹ Phát triển DNNVV (Bộ KH&ĐT) Trần Thanh Thuỷ, hiện DNNVV đang được vay vốn của Quỹ với mức lãi suất ưu đãi luôn thấp hơn các NHTM Nhà nước và được giữ cố định, hoặc giảm nếu chính sách thay đổi trong suốt thời gian vay. Lãi suất cho vay ngắn hạn 1,2%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn là 4,4%/năm.
Mức cho vay lãi tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Tổng mức cho vay đối với một DNNVV không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ.
DNNVV đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.
"Thời hạn vay không quá 7 năm, thời gian ân hạn tối đa 2 năm (đối với trung và dài hạn). DN được chủ động trả nợ trước hạn và được miễn phí trả nợ trước hạn" - bà Thanh Thuỷ cho biết.
Đồng thời thông tin thêm, đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ thực hiện hỗ trợ DNNVV thông qua các hoạt động cho vay, tài trợ vốn và hỗ trợ tăng cường năng lực. Đối tượng hỗ trợ của Quỹ là DN hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và tham gia chuỗi giá trị.
Hiện Quỹ đã ký hợp đồng khung hoạt động cho vay gián tiếp với 6 ngân hàng: BIDV, MB, SHB, Sacombank, BacA Bank, HDBank và dự kiến tiếp tục mở rộng thêm với một số NHTM khác.
Mặc dù quy trình hướng dẫn vay rất rõ ràng, song bà Trần Thanh Thuỷ chỉ ra vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn của Quỹ. Một số DN đã từ chối vay vốn gián tiếp do e ngại việc chia sẻ thông tin với bên thứ 3. Ngoài ra là các vướng mắc trong việc cung cấp hồ sơ vay vốn: Báo cáo tài chính, chứng từ nộp bảo hiểm xã hội, vay đầu tư máy móc thiết bị yêu cầu hồ sơ pháp lý nhà xưởng nơi đặt thiết bị, báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Là một trong 6 ngân hàng tham gia hoạt động cho vay gián tiếp từ Quỹ, Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp SHB Đinh Ngọc Dũng cho biết, một số lý do khiến DN "e ngại" khi tiếp cận nguồn vốn. Nguyên do hồ sơ vay vốn phải đáp ứng việc thẩm định từ ngân hàng và Quỹ trong khi DN muốn nhanh chóng tiếp cận vốn nên đã từ chối tham gia vay từ Quỹ.
Cùng với đó trong quá trình thẩm định, các ngân hàng thường cung cấp báo cáo tài chính nội bộ, thay vì báo cáo tài chính gửi cơ quan quản lý thuế. Trong khi, báo cáo tài chính gửi cơ quan thuế là yêu cầu tiên quyết khi tiếp cận vốn vay từ Quỹ...
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng Lại Hoàng Dương nêu một số vấn đề về chính sách, cách thức để các DNNVV có cơ hội tiếp cận nguồn Quỹ. Theo ông, DN có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội), hiện đang và cũng như đã làm xong kế hoạch đầu tư các nhà máy tại Đồng Văn (Hà Nam).
Do đó, DN đang rất cần nguồn tài chính để mua máy móc, đầu tư cơ sở hạ tầng... để phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu đầu tư qua Đồng Văn doanh nghiệp buộc phải đăng ký tư cách pháp nhân ở địa phương và sẽ lại trở thành một DN tại đó. Về lý thuyết, Thánh Gióng hoạt động dưới hình thức công ty mẹ và công ty con, liệu vẫn có thể thụ hưởng chính sách như tại Hà Nội không?
Bàn về vấn đề này, bà Trần Thanh Thủy chia sẻ, với nguồn vốn của Quỹ sẽ hỗ trợ tất cả DNNVV trên toàn quốc. Cho dù DN ở địa bàn nào và nhà máy đặt ở đâu, Quỹ vẫn hỗ trợ. Có điều với hoạt động cho vay gián tiếp thông qua các ngân hàng, ngân hàng thường chọn chi nhánh gần với địa bàn đặt nhà máy để phù hợp với tính chất và được thực hiện cần kiểm tra giám sát, theo dõi khoản vay đó. Trong trường hợp này, khi hồ sơ của đơn vị được gửi lên, Quỹ sẽ đánh giá là DN có đáp ứng được tiêu chí hay không, đấy mới là điều cốt lõi. Còn với DN thì tất cả DNNVV, chứ không phải chỉ riêng của Hà Nội.
Đưa ra giải pháp hô trợ khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn, ông Ngọc Dũng cho hay, SHB đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp mục đích sử dụng vốn.DN
Bên cạnh đó, SHB cũng tích cực tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - DN, trực tiếp gặp gỡ khách hàng để lắng nghe và cùng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chủ động cung cấp các giải pháp phi tài chính, hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra trong cộng đồng DN, thực hiện tư vấn, đào tạo miễn phí tài chính DN, nhằm bảo đảm chiến lược phù hợp với giai đoạn hiện tại.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HANOISME Mạc Quốc Anh cho biết, hiện phần lớn các DN đều khó khăn về nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất. Việc tiếp cận được các nguồn vốn vay lãi suất thấp là vấn đề ưu tiên.
Do đó, ông Mạc Quốc Anh đánh giá các giải pháp ngân hàng hỗ trợ ngày càng đa dạng. Song để có thể tiếp cận được nguồn vốn, trước hết DNNVV cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh, về sản phẩm, dịch vụ phải đáp ứng nhu cầu thị trường, tham gia sản xuất theo chuỗi để dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng...