Thông tin mới nhất từ Trung Quốc giữa bối cảnh giá vàng tăng
Bất chấp việc giá vàng biến động mạnh, tiêu thụ vàng của Trung Quốc trong năm 2021 tăng tới hơn 36%.
Tân Hoa Xã cho hay, tiêu thụ vàng ở quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021 do nhu cầu tiếp tục được giải phóng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước phục hồi ổn định.
Theo số liệu của Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA), tiêu thụ vàng của nước này đạt 1.120,9 tấn trong năm ngoái, tăng 36,53% so với một năm trước, và tăng 11,78% so với năm 2019.
Hiệp hội CGA cho biết: “Năm 2021, dưới những kết quả đáng ghi nhận của sự phát triển kinh tế chung của Trung Quốc và công tác phòng chống dịch bệnh, tiêu dùng vàng trong nước nhìn chung duy trì xu hướng phục hồi và đạt mức tăng trưởng nhanh so với cùng kỳ năm 2020”.
Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi vào năm 2021, với mức tăng trưởng tốt nhất trong một thập kỷ là 8,1%, được hỗ trợ bởi xuất khẩu mạnh mẽ.
Dữ liệu của CGA cho thấy, tiêu thụ vàng trang sức tăng khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái lên 711,29 tấn.
Đầu tư vào vàng miếng và vàng xu tăng 26,87% so với cùng kỳ năm ngoái lên 312,86 tấn.
Được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp năng lượng và điện tử mới, tiêu thụ vàng cho các mục đích công nghiệp và sử dụng khác trong nước đã tăng 15,44% so với cùng kỳ năm ngoái lên 96,75 tấn.
Dữ liệu của CGA cũng cho thấy Trung Quốc đã sản xuất 328,98 tấn vàng trong năm ngoái, giảm 36,36 tấn hay 9,95% so với một năm trước. Sản lượng sụt giảm được cho là do các mỏ vàng ở Sơn Đông và Hà Nam, các tỉnh sản xuất vàng lớn của Trung Quốc bị đóng cửa sau khi một số vụ tai nạn mỏ vàng xảy ra dẫn đến quy định kiểm tra và chấn chỉnh an toàn.
Trong một diễn biến có liên quan, Reuters cho hay, xuất khẩu vàng của Thụy Sĩ trong năm 2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2018 khi nhu cầu vàng miếng ở Trung Quốc và Ấn Độ - những thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất - phục hồi.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã ảnh hưởng đến thị trường vàng miếng vào năm 2020, làm sụt giảm doanh số bán đồ trang sức trong khi kích thích các nhà đầu tư đổ xô tích trữ vàng, vốn được coi là nơi an toàn để cất giữ của cải.
Thụy Sĩ là trung tâm luyện vàng và trung tâm trung chuyển lớn nhất thế giới. Dữ liệu của hải quan Thụy Sĩ cho thấy sự sụt giảm trong xuất khẩu vàng năm 2020 sang Châu Á, nơi hầu hết vàng được bán dưới dạng đồ trang sức và các chuyến hàng khổng lồ đến Mỹ và Anh.
Đến năm 2021, động lực đó hầu như đã đảo ngược. Xuất khẩu vàng của Thụy Sĩ sang Ấn Độ đã tăng từ 148 tấn vào năm 2020 lên 507 tấn trong năm 2021, mức tăng cao nhất kể từ năm 2015.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục đạt 275 tấn, tăng từ 30,5 tấn năm 2020 và cao nhất kể từ năm 2018. Xuất khẩu sang Hong Kong (Trung Quốc) tăng lên 79 tấn từ 27 tấn năm 2020 và cao nhất kể từ năm 2018.
Dữ liệu cho thấy nhu cầu ở Trung Quốc phục hồi yếu hơn ở Ấn Độ. Giữa năm 2012, khi số liệu của Thụy Sĩ được công bố và năm 2019, Thụy Sĩ đã xuất khẩu trung bình 400 tấn vàng mỗi năm sang Ấn Độ và khoảng 600 tấn một năm cho Trung Quốc đại lục và Hong Kong cộng lại.
Các lô hàng vàng của Thụy Sĩ đến Mỹ đã giảm từ 508 tấn vào năm 2020 xuống 113 tấn vào năm 2021. Xuất khẩu vàng sang Anh giảm từ 130 tấn xuống 76 tấn.