Những nghị quyết mở đại lộ phát triển xuất nhập khẩu
Giai đoạn 2020 - 2025 được coi là phát triển rực rỡ của xuất nhập khẩu với kim ngạch tăng cao.
Xuất khẩu đã giữ vững vai trò là một trong 3 cấu phần quan trọng của “cỗ xe tam mã” thúc tăng trưởng kinh tế (xuất khẩu - tiêu dùng nội địa - đầu tư).
Kiến tạo chiến lược xuất nhập khẩu
Giai đoạn sau giải phóng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng là dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới tư duy quản lý, điều hành. Ngay từ những năm đầu thực hiện “đổi mới” và “mở cửa”, Nghị quyết của Đại hội Đảng đã thể hiện “xuất khẩu là mũi nhọn có ý nghĩa quyết định đối với nhiều mục tiêu kinh tế trong 5 năm này (1986 -1990), đồng thời cũng là khâu chủ yếu của toàn bộ các quan hệ kinh tế đối ngoại”.
Nhận thức rõ ràng vai trò quan trọng của xuất nhập khẩu thông qua các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ Bộ Công Thương đã nỗ lực chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành các chính sách quan trọng liên quan đến xuất nhập khẩu.
Đại hội Đảng bộ Cục Xuất nhập khẩu Ảnh: Minh Trang
Đơn cử, năm 2022, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Chiến lược đề ra các mục tiêu: Xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân gia iđoạn 2021 - 2025 đạt 8 - 9%/năm. Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hòa.
Sau đó, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023. Đề án đặt mục tiêu duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm.
Các nghị quyết, đề án nêu trên đã đóng vai trò vô cùng quan trọng cho thành tích xuất nhập khẩu giai đoạn 5 năm trở lại đây (2020 -2025). Đây cũng là giai đoạn quan trọng và nhiều điểm sáng nhất của hoạt động xuất nhập khẩu.
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP (tỷ lệ xuất khẩu/GDP khoảng 90% năm 2025) với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10% và bước vào nhóm 20 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới (2023); kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 800 tỷ USD vào năm 2025, thặng dư thương mại được duy trì liên tục ở mức cao (đạt mức kỷ lục là 24,66 tỷ USD vào năm 2024), tạo nguồn ngoại tệ ổn định, giảm áp lực tỷ giá và hỗ trợ dự trữ ngoại hối.
Tại Đại hội Đảng bộ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) diễn ra mới đây, đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương - nhấn mạnh, giai đoạn 5 năm qua, Đảng ủy và tập thể lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt kết quả toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao. Nổi bật là việc tham mưu kịp thời, hiệu quả giúp cho Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, thương mại biên giới, xuất xứ hàng hóa, dịch vụ logistics, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập,chuyển khẩu, quá cảnh, đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài theo đúng quy định pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ Công Thương.
Tiếp tục dẫn dắt chiến lược xuất nhập khẩu trong kỷ nguyên tăng trưởng mới
Bước sang giai đoạn 2025 - 2030, trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ít nhất đạt 8% và tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, nhiệm vụ của Bộ Công Thương là rất nặng nề. Trong đó, vai trò quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu rất quan trọng.
Xuất nhập khẩu nhiều năm liền là điểm sáng của nền kinh tế
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Anh Sơn - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết, Đảng bộ Cục Xuất nhập khẩu - đơn vị “chủ công” trong xây dựng chính sách xuất nhập khẩu xác định sẽ tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho Bộ Công Thương xây dựng và thực thi các chính sách về xuất nhập khẩu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, thương mại biên giới, xuất xứ hàng hóa, dịch vụ logistics, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh, đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ Công Thương. Phấn đấu hoàn thành 100% chương trình, kế hoạch công tác hàng năm.
Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, báo cáo lãnh đạo bộ điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng trong năm 2025 theo các cam kết quốc tế. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa xuất khẩu. Nắm bắt thông tin về những vấn đề có khả năng tác động, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫnkịp thời những cam kết theo FTA đã ký kết, các hiệp định đang và sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết. Tiếp tục phối hợp với các địa phương thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chuyển dần sang thương mại chính ngạch.
Những kết quả đạt được trong hoạt động xuất nhập khẩu đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, chiến lược của Đảng, cũng như vai trò then chốt của hội nhập quốc tế - đặc biệt là hội nhập kinh tế - trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới liên tục biến động, phức tạp và khó lường.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)
Sự điều hành thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương và địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước phục vụ sản xuất, xuất khẩu.