Xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay
Năm 2022, ngành hàng cá tra đã tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là cơ hội về giá nên giá trị xuất khẩu vượt trội so với sản lượng và sự gia tăng sản lượng đã góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng cá tra.
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủy sản là ngành hàng có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu dự kiến vượt 11 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích thả nuôi cá cá tra cả nước đạt khoảng 5.500 ha, với sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá cá tra giống có thời điểm duy trì ở mức cao kỷ lục trong hơn 2 năm qua do nguồn cung hạn chế, sức mua tăng, khoảng 45.000-55.000 đồng/kg giống loại 30-35 con/kg tại Ðồng Tháp, An Giang, Cần Thơ. Ngoài ra, giá cá tra nguyên liệu năm nay ở mức khoảng 30.000/kg loại I, cao hơn mức trung năm 2021 từ 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Thủy sản, mặc dù tình hình lạm phát và bất ổn xảy ra ở một số quốc gia đã khiến giá dầu và giá vật tư đầu vào, nguyên liệu tăng, dẫn đến giá thành sản xuất và giá bán cá tra tăng đáng kể nhưng nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng từ 40% đến 200%.
Nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở nhiều thị trường tăng.
Hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn là Trung Quốc chiếm 30%, Hoa kỳ chiếm 23%. Trong 9 tháng đầu năm nay Hoa Kỳ nhập khẩu hơn 104.000 tấn cá tra phile đông lạnh, giá trị 445 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp đã chọn cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và triển khai xây dựng nhiều mô hình chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra.
Đồng Tháp cũng là địa phương sản xuất cá tra lớn nhất vùng ĐBSCL chiếm trên 33% diện tích và trên 34% sản lượng cá tra toàn và hàng năm cung cấp khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng ĐBSCL. Diện tích nuôi cá tra của Đồng Tháp đạt khoảng 2.450 ha, với sản lượng thu hoạch hơn 500.000 tấn, xuất khẩu hơn 270.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 850 triệu USD và đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của địa phương.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.
Trên địa bàn Đồng Tháp có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ, với tổng công suất thiết kế khoảng hơn trên 500.000 tấn/năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 25.000 lao động và kéo theo phát triển các ngành hàng có liên quan.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết: "Nhằm hướng tới nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng cá tra, phát triển ngành sản xuất cá tra thành ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường, Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch phát triển cá tra đến năm 2025 theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tính đến hết tháng 11/2022, sản lượng thu hoạch cá tra đã đạt hơn 1,5 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm nhập 2021, và nhu cầu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng. Năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đã nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, bước sang năm 2023 ngành hàng cá tra đang có trong tay rất nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Dự báo, thị trường thế giới sẽ diễn biến phức tạp, vì vậy nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022. Vì vậy, cần phải đánh giá những khó khăn, thách thức, cơ hội và bàn giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng cá tra trong năm tới là việc làm cần thiết.
"Chưa có một ngành hàng nào với một thời gian rất ngắn đã trở lại mũi nhọn, chủ lực, quy mô hàng hóa và tỷ suất hàng hóa cao và nhanh như cá tra. Chúng tôi giải quyết một cách rất đồng bộ về khâu giống, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học và đặc biệt là cơ sở hạ tầng cho cá tra. Tới đây khi An Giang thì tỷ lệ cá tra đạt tiêu chuẩn, chất lượng sẽ chiếm tỷ lệ trên 70%, với một nhu cầu 4,4 tỷ đến 4,5 tỷ cá tra giống ở ĐBSCL" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Năm 2022 xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay.
Theo nhận định từ giới chuyên môn, tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra cho chế biến trong những tháng đầu năm 2023 khó có thể xảy ra vì diện tích thả nuôi cá tra các tháng 8 - 11 năm 2022 tăng trung bình khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt là các tháng cuối năm 2022 và năm 2023 có thể có những diễn biến phức tạp, nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, tình hình lạm phát toàn cầu gia tăng khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản có xu hướng giảm sút, các nhà nhập khẩu cũng hạn chế nhập hàng nhằm giảm tối đa chi phí lưu kho, bảo quản. Do vậy, giá trị kim ngạch xuất khẩu đã giảm trong các tháng cuối năm và có thể ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2023.
Đồng Tháp đã chọn cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Dự kiến năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra khoảng 5.600 ha, sản ước đạt khoảng 1,6 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức sẽ tác động rất lớn đến ngành hàng cá tra khi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển tăng cao sẽ gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu chững lại và hiệu quả sản xuất bị thu hẹp./.