A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mạnh tay với nhiều dự án “ôm đất” nhưng chậm triển khai ở Hà Nội

Nhiều dự án chậm tiến độ, chậm triển khai đang tồn tại ở Hà Nội không chỉ tạo ra khung cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, lãng phí tài nguyên đất đai.

Mạnh tay với nhiều dự án “ôm đất” nhưng chậm triển khai ở Hà Nội

Lô đất vàng đắc địa tại số 148 Giảng Võ bị quây tôn, hoang hóa nhiều năm. Ảnh: Tùng Giang

Nhiều dự án “ôm đất” nhưng chậm triển khai ở Hà Nội

Theo ghi nhận của Lao Động, hiện TP Hà Nội tồn tại nhiều dự án “ôm đất” nhưng chậm triển khai, đưa vào sử dụng. Đơn cử như lô đất vàng tại số 148 Giảng Võ nằm tại trung tâm quận Ba Đình đã nhiều năm nay bị quây tôn kín mít, bên trong cỏ dại mọc um tùm, ngập ngụa rác thải.

Bà Vũ Kim Phụng, trú tại D2 Giảng Võ (gần lô đất 148 Giảng Võ) cho hay, theo thông tin công bố người dân được biết, dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2016, nhưng qua quá trình triển khai gặp nhiều ý kiến của nhân dân sống quanh khu vực nên dự án này đã dừng triển khai kể từ năm 2016. “Đã 8 năm trôi qua, khu đất lại trở nên hoang tàn và hoang hóa theo thời gian” - bà Phụng nói.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tổ hợp hỗn hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa, tỉ lệ 1/500 tại khu đất vàng 148 Giảng Võ. Đáng chú ý trong đó, Hà Nội quyết định không bố trí chức năng nhà ở dự án và chỉ xây tối đa cao 40 tầng thay vì 50 tầng như chủ trương đầu tư đã được phê duyệt trước đó.

Tương tự, tòa tháp Vicem Tower (tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tọa lạc trên khu đất đắc địa giáp đường Phạm Hùng - phố Mạc Thái Tổ và Vành đai 3.

Dự án đến nay mới hoàn thiện phần thô của tòa nhà, công trường không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào kể từ tháng 8.2015, khiến cỏ mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp. Nhiều người dân trú tại phố Mạc Thái Tổ chia sẻ, công trình tồn tại đã gần 10 năm và dần hoang hóa.

Được biết, tòa tháp Vicem Tower thuộc dự án tòa tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem do Tổng Công ty Ximăng Việt Nam (Vicem), được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010, khởi công xây dựng năm 2011 với quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, tổng vốn đầu tư xây dựng sau điều chỉnh khoảng 2.743 tỉ đồng.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện nay đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục cấp phép, điều chỉnh lại dự án theo hướng giảm quy mô đầu tư để tiếp tục thi công đưa vào khai thác, sử dụng. Dự kiến cuối năm 2025 hoặc đầu 2026 sẽ đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Hà Nội mạnh tay xử lý

Đến hết tháng 6.2024, thành phố đã chỉ đạo xử lý đối với 705 dự án với tổng diện tích 11.345ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

Còn 7 dự án với tổng diện tích 88,5ha đất, đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đang tiếp tục rà soát để đề xuất phương án xử lý.

Trong 712 dự án, có 410 dự án với tổng diện tích trên 9.089ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật.

Phần lớn các dự án vi phạm quy định của UBND TP liên quan về quy hoạch, tài chính, đất đai, đấu giá. Một số dự án sau khi được kiểm tra, nhắc nhở đã xin gia hạn để xử lý thủ tục, khắc phục những tồn tại và đề nghị được đưa ra khỏi danh sách. Với các dự án này, Hà Nội cho biết, sẽ nghiêm túc kiểm tra, rà soát và xem xét tùy từng trường hợp cụ thể, quyết tâm không để lọt lưới vi phạm.

Trong 6 tháng cuối năm, TP Hà Nội tiếp tục rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất; tổ chức phân loại dự án thành các nhóm dự án chậm triển khai; phân công các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và có kết luận đối với từng dự án để làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp; quyết liệt xử lý dứt điểm, giải quyết triệt để các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai.

Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, tình trạng xin dự án nhưng lại “ôm đất” năm này qua tháng khác sẽ bị ngăn chặn, xóa tình trạng lãng phí đất đai. Đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án sẽ bị thu hồi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan