A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xem xét lại cơ chế đấu giá đất

Việc đẩy giá đất đấu giá lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến thị trường bất động sản. Các chuyên gia cho rằng, phải xem xét lại cơ chế đấu giá đất.

Xem xét lại cơ chế đấu giá đất

Nhiều lô đất vừa trúng đấu giá đã được rao bán để kiếm tiền chênh. Ảnh: Cao Nguyên.

Mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai (Hà Nội) xác định, hết thời gian nộp tiền phiên đấu giá đất với 68 thửa tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao vào ngày 10.8 nhưng chỉ có 13 lô được nộp đủ tiền mua.

Những lô được nộp tiền mua chỉ có giá cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2. Những lô đất còn lại, bao gồm lô có giá trúng cao nhất 100,5 triệu đồng/m2 đã không nộp tiền.

Thực tế, hiện tượng "thổi giá" tại các phiên đấu giá bất động sản không phải là mới. Nhiều nhóm đầu cơ tham gia trong các phiên đấu chủ yếu trả giá cao để tạo ra mặt bằng giá mới rồi sau đó thoát hàng ra để chốt lời. Nếu những lô đất không thể sang tay sớm, việc bỏ cọc sẽ xảy ra.

Anh Đỗ Danh Lực (đang ở tại quận Hà Đông, quê quán tại huyện Thanh Oai) bức xúc, gia đình anh đang sống trong căn hộ chung cư, mong muốn mua một mảnh đất ở quê để xây nhà.

Đất đấu giá là lựa chọn ưu tiên vì tính pháp lý và vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, những người có nhu cầu thực đều không thể mua được vì giá đất đấu giá tăng quá cao so với thực tế.

Anh Lực cho biết, trước khi phiên đấu giá diễn ra, giá đất quanh khu vực này chỉ dao động 35-50 triệu đồng/m2. Vậy mà, chỉ sau phiên đấu giá, giá đất nhảy lên mức 80-100 triệu đồng/m2 là điều khó chấp nhận.

“Việc đất đấu giá tăng cao không chỉ làm mất cơ hội của chúng tôi mà còn làm thị trường bất động sản trở nên bất ổn" – anh Lực nói thêm.

Khu đất đấu giá huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Cao Nguyên
Khu đất đấu giá huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Cao Nguyên

Chia sẻ với PV Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho biết, việc đẩy giá đấu giá đất lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến thị trường bất động sản.

Đầu tiên là gây khó khăn cho người có nhu cầu thực, cho các chủ đầu tư trong quá trình phục hồi của thị trường bất động sản. Tệ hơn nữa là tạo ra các áp lực, khó khăn cho Chính phủ trong hoạt động quản lý, thực thi các chính sách pháp luật về đất đai. Nhà nước sẽ khó khăn hơn trong việc thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng vì giá đất đã được thổi lên nhiễu loạn.

Để hoạt động này đi vào ổn định và phù hợp thực tế, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cần điều chỉnh một số khâu.

Đầu tiên là việc địa phương tổ chức đấu giá đất phải tiến hành xác định lại mức giá khởi điểm sát với giá thị trường. Từ đó mức giá đặt cọc sẽ được nâng lên.

Cùng với đó, cần có thêm các điều chỉnh kỹ thuật. Chẳng hạn việc đặt cọc phải được hoàn thành trước khi phiên đấu giá diễn ra. Đấu giá xong thì khoảng 15 ngày, người trúng đấu giá phải nộp tiền, chứ để 90 ngày như trước kia hay một số địa phương đang áp dụng 30 ngày như hiện nay là quá dài.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Ngọc Tú – Giảng viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng, để tránh lặp lại kịch bản xấu này trong tương lai, có thể áp dụng công cụ thuế đối với các khách hàng trúng đấu giá.

"Trong vòng 24 tháng, những lô đất trúng đấu giá không được chuyển nhượng, nếu chuyển nhượng phải tính thuế, phí dựa trên giá đấu trúng. Điều này sẽ giúp hạn chế đầu cơ và làm ổn định thị trường" – ông Tú kiến nghị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan