Lên Shark Tank gọi vốn 8 triệu USD nhưng "bắt" các Shark tự lấy giấy bút tính số liệu, bà chủ hãng bún trăm tỷ giờ ra sao?
5 năm trước, bà Nguyễn Thị Bính “gây sốc” cho các “cá mập” khi lên Shark Tank Việt Nam kêu gọi 8 triệu USD cho 20% cổ phần, tức là định giá công ty 1.000 tỷ đồng. Bà tự tin tất cả lò bún trên cả nước chưa ai có thể làm được sản phẩm như mình.
CTCP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính do bà Nguyễn Thị Bính làm Giám đốc được thành lập năm 2004, được cho là đơn vị đầu tiên công nghiệp hóa ngành sản xuất bún ở Việt Nam.
Bà Bính cho hay sản phẩm của mình là bún sạch, khác hẳn những loại bún "không tên" trôi nổi trên thị trường. Do không có hoá chất nên bún nhanh hư hơn, màu không bắt mắt, nhưng điểm quan trọng là không có hoá chất mà vẫn ra được sợi bún ngon.
Theo bà, bún Nguyễn Bính từng được một nhà đầu tư Thái Lan định giá 100 tỷ đồng, nhưng bà không bán vì không muốn bị thâu tóm, bởi họ muốn đầu tư đổi lấy tới 49% cổ phần.
Với tham vọng đưa ngành bún truyền thống của Việt Nam tiến tới “bá chủ thế giới”, hồi năm 2018, bà Bính lên Shark Tank Việt Nam mùa 2 kêu gọi 8 triệu USD (gần 200 tỷ đồng) cho 20% cổ phần công ty.
Mức định giá này ngay lập tức khiến các "cá mập" ngỡ ngàng. Shark Nguyễn Xuân Phú nhanh chóng tính ra bà Bính đang định giá công ty 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi ông hỏi nếu đầu tư theo mong muốn của bà Bính thì doanh thu sẽ đạt được bao nhiêu, bà không trả lời trực diện.
“Các Shark cứ cầm tiền của các Shark đi, tôi không hề thèm cầm tiền của các Shark. TP HCM có tổng cộng 400 – 700 cơ sở cho ngành này. Dân số thành phố là 10 triệu, hôm nay không ăn bún thì ăn phở, không ăn phở thì ăn bánh ướt, mỳ Quảng. Tôi chỉ tính đầu người, mỗi người ăn 1 lạt, thì 1 ngày nội TP HCM sẽ tiêu thụ được 1.000 tấn".
"Tôi nói để các Shark tự tính. Tôi cần nhà xưởng, đất đai, thiết bị máy móc, 1 ký gạo ra 2 ký bún. Các Shark tự tính", bà Bính đề nghị.
Về tài sản hiện sở hữu, bà cho biết nhà cửa, máy móc, trang thiết bị, vật dụng… có giá trị 100 tỷ đồng, nhưng đang nợ ngân hàng 17 tỷ đồng. Shark Phú nhận xét mức định giá công ty 1.000 tỷ đồng vô cùng phi lý. Tuy nhiên, bà chủ bún Nguyễn Bính cho rằng sản phẩm có giá trị thương hiệu “vô hình”, đồng thời cam đoan chỉ sau 6 tháng, bà sẽ nắm chắc trong tay 50% thị phần tại TP. HCM.
Cuối cùng, trước những thông tin mơ hồ, nhiều câu hỏi không có lời đáp thoả đáng, bà Bính và các “cá mập” không đạt được thoả thuận nào.
Quyết theo đuổi ước mơ chinh phục thị trường thế giới, đích thân “lăn xả” cùng công nhân trong xưởng
Vài năm sau màn gọi vốn nhận được nhiều chú ý, Covid-19 khiến việc làm ăn của bún Nguyễn Bính ít nhiều chao đảo.
Trong một talkshow của ANTV hồi tháng 7/2022, bà Bính thẳng thắn chia sẻ những thách thức trong đại dịch, giữa bối cảnh người dân khó khăn, hàng hoá lên giá chóng mặt và khan hiếm.
“Lúc đó Nguyễn Bính không tăng giá, vẫn giữ một giá từ đó đến giờ, trước dịch đến sau dịch, ngay cả trong dịch. Tuy nhiên, trong mùa dịch khổ một nỗi không có công nhân làm, kế toán cũng không đến. Thế là từ trong đến ngoài, cả nhà Bính lăn như bóng để phục vụ những người ăn lẻ. Qua thời gian dịch cũng bị mất mối nhiều. Lý do là các bếp ăn công nghiệp ngành may mặc hay giày da bị dừng hết”, bà trải lòng.
Bà Bính cũng chia sẻ với báo Người Lao Động rằng doanh thu công ty mấy năm qua không tốt. Kinh tế khó khăn, người bán cò kè so giá, bún Nguyễn Bính không thể cạnh tranh lại hàng giá rẻ. Người tiêu dùng rất khó mua bún Nguyễn Bính bởi sản phẩm không cạnh tranh lại những nhà cung cấp giá rẻ hơn, chiết khấu cao hơn tại các hệ thống siêu thị lớn ở TP. HCM.
“Một số chuỗi siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm sạch cũng lấy hàng nhưng lượng tiêu thụ không đáng kể. Nhà hàng, khách sạn, quán ăn cao cấp thì chỉ nơi nào chịu đầu tư cho chất lượng, chấp nhận giá cao mới lấy hàng của Nguyễn Bính. Sạp chợ cũng vậy, trước đây nhiều tiểu thương lấy bún Nguyễn Bính về bán cho đa dạng sản phẩm nhưng từ sau Covid-19, con số này giảm đáng kể”, bà Bính cho biết.
Bất chấp hàng loạt khó khăn, bà chủ thương hiệu bún trăm tỷ vẫn lạc quan về tương lai, quyết bám trụ với nghề, đầu tư máy móc mới và tìm mọi cách để nâng cấp chất lượng sản phẩm.
“Giờ giấc làm việc của tôi không cố định, có khi bận đến nỗi 2 ngày không được chợp mắt. Hôm nào có nhiều đơn đặt hàng, tôi làm đến 10h đêm mới nghỉ”.
“Ngoài quản lý sản xuất, tôi còn lo về đối ngoại, có khi “lăn xả” cùng công nhân ở trong xưởng. Nếu thiếu bộ phận nào, tôi đều nhảy vào làm luôn. Các bạn ở phòng kế toán còn đùa rằng tôi làm việc nhiều hơn công nhân của mình” , bà mới chia sẻ hồi đầu tháng.
Nguyễn Bính hiện đang phân phối đa kênh như bán hàng online, bếp ăn công nghiệp, siêu thị, chợ truyền thống… nhằm đưa sản phẩm sạch đến tay nhiều người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bà Bính dường như vẫn không từ bỏ ước mơ chinh phục thị trường thế giới như tuyên bố trên Shark Tank 5 năm trước.
“Nguyễn Bính mong có một nhà máy quy chuẩn quốc tế châu Âu để đưa ra sản phẩm thật tốt cho người tiêu dùng, đồng thời cho ra những công thức bột. Bột gạo của Nguyễn Bính phải được xuất khẩu đi vòng quanh thế giới, kể cả những nước khó nhất cũng có thể đi được. Đây là vấn đề Nguyễn Bính vẫn đang phải nghiên cứu, xúc tiến, làm việc”, bà cho biết trong chương trình Cafe Khởi nghiệp hồi tháng 1/2021.
Là thế hệ thứ 7 làm nghề sản xuất bún, bà Bính còn mong muốn có một thế hệ tiếp nối.
“Quan điểm của tôi là việc con cái trong nhà tiếp nối hay người ngoài tiếp nối không quan trọng. Miễn ai có tâm với nghề này, tôi sẵn sàng chuyển giao. Tôi sẽ dạy nhiệt tình, đúng chất của sản phẩm là hàng không hoá chất theo phương cách nguyên thuỷ. Không có hoá chất mà vẫn ra được sợi bún ngon mới là điều quan trọng”, bà nói.