Dòng tín dụng Ngân hàng Khu vực 14 chảy đúng “mạch” thúc đẩy phát triển kinh tế
Tăng trưởng chỉ bền khi dòng tín dụng được nắn đúng “mạch”, chảy mạnh vào khu vực động lực tăng trưởng kinh tế thay vì “đổ dồn” vào các lĩnh vực rủi ro. Dòng vốn tín dụng Ngân hàng Khu vực 14 đã thực sự thông dòng.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2025 đang diễn biến khó lường, tăng trưởng toàn cầu được dự báo chậm lại do các căng thẳng thương mại kéo dài. Năm 2025, Quốc hội, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên để làm tiền đề cho tăng trưởng hai chữ số ở những năm tiếp theo. Để đạt mục tiêu này cần khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Hình minh họa
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 đã phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; triển khai thực hiện hiệu quả các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Song hành đó, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ bị tác động bởi chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ… Hiện mặt bằng lãi suất đã giảm nhẹ so với năm 2024 và các TCTD đang tích cực đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 14 (TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Vĩnh Long) chia sẻ, hiện tại dư nợ tín dụng khu vực 14 tăng trưởng khá tốt so với các năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 4/2025 tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 400.712 tỷ đồng, tăng 3,88% so với cuối năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 đã chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hầu hết dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với cuối năm 2024, cụ thể: ước đến cuối tháng 4/2025, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 173.925 tỷ đồng, chiếm 43,4% tổng dư nợ khu vực và tăng 10,73% so với cuối năm 2024; dư nợ cho vay xuất khẩu tăng 12,44% (ước đạt 31.461 tỷ đồng); cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 72.863 tỷ đồng, tăng 5,75%... Các TCTD cũng tích cực tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.
Ông Hà cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương.
Từ kết quả đầu tư dòng tín dụng chảy đúng “mạch” tạo cú hích cho kinh tế địa phương chuyển mình. Theo Báo cáo Thống kê từ Chi cục Thống kế TP. Cần Thơ cho biết, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Cần Thơ ước quý I/2025 tăng 7,15% so với cùng kỳ năm 2024, đứng thứ hạng 6 trong vùng ÐBSCL. Cơ cấu GRDP của thành phố quý I/2025: khu vực I nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,25%; khu vực II công nghiệp và xây dựng chiếm 30,38%; khu vực III dịch vụ chiếm 53,01%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,36%. Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số trong năm 2025, TP. Cần Thơ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để tạo chuyển biến trong quý II/2025, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Theo kịch bản tăng trưởng từng quý tại Kế hoạch số 45/KH-UBND của UBND TP. Cần Thơ về triển khai thực hiện kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, quý I/2025 tốc độ GRDP tăng 9,19% - 9,23% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ trong quý I/2025 ghi nhận những kết quả tích cực, song vẫn chưa đạt mức tăng trưởng đề ra. Phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế của TP. Cần Thơ năm 2025 đạt ở mức cao nhất.
Ông Trân Quốc Hà, chia sẻ thêm, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng tiếp cận vốn tín dụng kịp thời dễ dàng thuận tiện để ứng phó với những thách thức từ thị trường, nhất là các yêu cầu mới về tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất hàng xuất khẩu. Trong bối cảnh cầu thị trường trong nước và quốc tế đều thấp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đồng thời, ông Hà cũng đề xuất chính quyền, sở, ngành địa phương trên địa bàn triển khai các nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung đẩy mạnh tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế số; đồng thời triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất sang các thị trường lớn, tiềm năng. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm liên vùng, cao tốc… Chủ động xây dựng các dự án mời gọi FDI có chọn lọc, đảm bảo chất lượng, kết nối chuyển giao công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩu chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025 nhằm phát triển các mô hình kinh tế bền vững, kinh doanh bao trùm.