A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SCB giảm mạnh lãi suất huy động, không còn là ngân hàng cao nhất hệ thống

Tính từ đầu năm, lãi suất huy động của SCB tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đã giảm khoảng 1%.

 

SCB giảm mạnh lãi suất huy động, không còn là ngân hàng cao nhất hệ thống

Theo biểu lãi suất vừa được Ngân hàng TMCP Sài Gòn áp dụng từ ngày 8/3, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đều được điều chỉnh giảm 0,5 điểm % so với trước đó.

Cụ thể, tại sản phẩm có lãi suất cao nhất là Tiền gửi online và lĩnh lãi cuối kỳ, các kỳ hạn từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng tiếp tục được áp dụng mức lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 6%/năm.

Trong khi đó, các kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh về 9%/năm từ mức 9,5%/năm. Dù vậy, chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn 5 tháng và 6 tháng vẫn lên tới 3% dù chỉ cách nhau 1 tháng.

Các kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng đang được SCB áp dụng mức lãi suất 8,9% so với 9%/năm trước đó. Trong khi các kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng cùng hưởng lãi suất 9%, cũng giảm 0,5 điểm %.

Đáng chú ý, các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng tại SCB đang có lãi suất thấp hơn kỳ hạn 12 tháng, chỉ ở mức 8,95%/năm và giảm 0,5 điểm % so với hồi đầu tháng.

Tính từ đầu năm đến nay, SCB đã có 2 đợt giảm lãi suất tiền gửi. Hồi cuối năm 2022, nhà băng này niêm yết lãi suất lên tới 9,95%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Như vậy, lãi suất huy động của SCB tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đã giảm khoảng 1% so với giai đoạn cao điểm.

Mặt khác, SCB cũng không còn là ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống. Hiện, Kienlongbank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 9,3% cho kỳ hạn 12 – 15 tháng theo hình thức gửi tiền online.

Trước SCB, một loạt ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động trong cuối tháng 2 và đầu tháng 3 với mức điều chỉnh 0,1 – 0,6 điểm % so với trước đó.

Được biết, sau khi được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng đã đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5 điểm % trước ngày 6/3. Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2%/năm so với hiện hành.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

NHNN cũng cho biết, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022); đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật