Thương mại điện tử bền vững vẫn là bài toán khó
Thương mại điện tử Việt Nam đã trải qua giai đoạn 10 năm phát triển nhanh chóng. Từ một khái niệm còn khá xa lạ, giờ đây, hầu hết người sử dụng internet đều là người tiêu dùng số; mức tăng trưởng thương mại điện tử được ghi nhận đạt từ 20-30%/năm; quy mô thị trường đạt 20,5 tỷ USD chỉ trong năm 2023. Con số này dự báo thay đổi theo hướng tốt hơn, ngay trong năm 2024.
Phát triển bền vững trong thương mại điện tử cũng giống như các lĩnh vực khác, cần đảm bảo: Tăng trưởng tích cực, ổn định; Cân bằng, hài hòa lợi ích các bên liên quan; Phát triển xanh; Tạo dựng và giữ vững niềm tin với đối tác kinh doanh, người tiêu dùng; đồng thời có được nguồn nhân lực thực sự hiểu biết về ngành.
Với nhiệm vụ đầu tiên, các chuyên gia nhận định, việc duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực phải gắn liền với ổn định. Nếu tăng trưởng không tích cực hoặc thiếu tính ổn định, phát triển thương mại điện tử sẽ không bền vững. Thời gian qua, yếu tố này luôn được đảm bảo và là điểm sáng của ngành khi tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 20-25%/năm và năm sau luôn cao hơn năm trước.
Với yếu tố thứ hai là sự cân bằng, hài hòa lợi ích các bên - từ doanh nghiệp sản xuất, nền tảng thương mại điện tử, đơn vị dịch vụ chuyển phát, thanh toán, người tiêu dùng, đến thu hẹp khoảng cách vùng miền và đảm bảo tính liên kết vùng… chuyên gia thương mại điện tử Lê Thị Hà khẳng định, “vẫn là bài toán khó với cấp vĩ mô, cộng đồng doanh nghiệp và cấp tỉnh, thành, ngành”.
“Yếu điểm vẫn cần phải khắc phục, thể hiện rất rõ, đó là thương mại điện tử vẫn tập trung vào một số thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM. Cần làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương để sẽ bắt nhịp được với tốc độ phát triển thương mại điện tử chung để kết nối được, đẩy mạnh sản phẩm dịch vụ thế mạnh của địa phương tham gia thị trường xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường”, bà Lê Thị Hà nói.
Thị trường hàng hoá truyền thống có khái niệm “khách hàng trung thành”, thương mại điện tử muốn bền vững cũng phải quan tâm tạo dựng và duy trì niềm tin tiêu dùng số. Trong vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ cần có động lực, niềm tin rằng thị trường sẽ có cơ chế bảo vệ để họ có thể sáng tạo mà không bị doanh nghiệp lớn chèn ép; còn người tiêu dùng thì cần được tạo dựng niềm tin – đó là niềm tin vào chất lượng hàng hóa được bày bán online, niềm tin được đảm bảo quyền lợi khi tham gia thị trường này. Hơn 10 năm qua, đây vẫn được coi là trở ngại lớn nhất trong nỗ lực phát triển và phát triển thương mại điện tử bền vững.
Một thống kê từ tổng đài 18006838 của Uỷ ban Canh tranh Quốc gia cho thấy, thương mại điện tử hiện xếp thứ 2 trong tổng số 22 nhóm hàng hoá bị người tiêu dùng gửi thông tin khiếu kiện nhiều nhất do hàng hoá không đúng mô tả, doanh nghiệp giải quyết khiếu nại không thỏa đáng hoặc bị gian thương lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Để giải quyết vấn đề, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương nhận định: “Yêu cầu của thị trường và doanh nghiệp là từ nhà nước và DN đồng hành phải có sự chung tay với nhau. Trước đây, DN luôn luôn nhìn cơ quan quản lý nhà nước như 1 đơn vị cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước có vai trò thứ 2 là phát triển thị trường. Thời gian qua, Cục Thương mại tử và Kinh tế số luôn thúc đẩy và muốn trở thành đơn vị không chỉ quản lý mà đồng hành - ngoài chính sách và chủ trương phải có nền tảng số trong việc tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như các bên liên quan trong giao dịch thương mại tử. Nền tảng này sẽ gồm có 5 thành tố và phải có hạ tầng có ba lớp là: hạ tầng về công nghệ, các giải pháp để quản lý, điều tiết thị trường và các hạ tầng về chương trình phát triển. Chúng ta sẽ có những nền tảng để giải quyết tranh chấp, có những nền tảng công nghệ thông tin như: phần cứng phải có viễn thông, phải có internet, phải có dấu thời gian…”.
Thương mại điện tử cũng là lĩnh vực có thể đóng góp nhiều vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải độc hại ra môi trường, hay nói cách khác là phát triển xanh. Với việc tối ưu hoá quy trình kinh doanh, vận chuyển, thương mại điện tử sẽ giảm được lượng lớn khí thải của các phương tiện ra môi trường, đồng thời tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ. Do đó, đây là nhiệm vụ không chỉ với cơ quan chức năng, doanh nghiệp mà với cả người tiêu dùng trong khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử kinh doanh các sản phẩm xanh, tiến hàng các hoạt động “xanh hoá” trong đóng gói, vận chuyển và tiếp nhận hàng hoá.
“Vấn đề trong trụ cột bền vững là môi trường. Ví dụ như: thích đồ ăn giao nhanh chẳng hạn, vô tình chúng ta tạo ra một lượng rác thải nhựa rất lớn ra môi trường, túi bóng đựng đủ các loại. Muốn tốt, hoàn thiện hơn nữa thì bên đóng gói họ càng ngày càng chuyên nghiệp hơn, thay vì một cái túi đựng rau họ chia các loại rau, rồi tăm, thìa, dĩa… đủ kiểu và vô hình trung là chúng ta đang làm hại môi trường. Nếu chúng ta không có định hướng sẽ tới một lúc nào đó toàn cộng đồng họ sẽ bắt đầu sợ vì quanh họ toàn rác thải nhựa thương mại điện tử. Chúng ta phải nghĩ cách để thay đổi cho phù hợp”, ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam khẳng định.
Yếu tố cuối cùng là nguồn nhân lực. Thương mại điện tử là lĩnh vực mới, đang phát triển nhanh Top đầu thế giới, tuy nhiên, các chuyên gia ước tính hiện chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử thuộc diện được đào tạo chính quy, còn lại là nhân lực các ngành thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin… Nếu thực trạng này không sớm được cải thiện, sẽ khó đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng top đầu thế giới, chưa nói tới mục tiêu phát triển bền vững.
Cách đây khoảng 5 năm, vì các lí do như hạ tầng còn yếu, quy mô chưa đủ lớn, nhận thức của các bên chưa đầy đủ… Chính phủ, các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện tối đa – “mở lối” cho hoạt động này phổ cập tới người tiêu dùng và phát triển nở rộ. Đến nay, khi các lí do vừa nêu đã gần như không còn, một chiến lược chuyển đổi toàn diện cho thương mại điện tử được xác định là cần thiết, và đó là câu chuyện của thương mại điện tử bền vững.
Nói cách khác, cùng với chủ trương chuyển đối số toàn diện từ Chính phủ: các hạ tầng số có liên quan như dịch vụ logistics thông minh, thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực định danh điện tử đều đang có những bước chuyển mình nhanh chóng… dù thương mại điện tử còn nhiều bất cập, cũng đã đến lúc không thể chậm trễ trong từng hoạt động mua-bán-quản lý online hướng đến mục tiêu xanh, bền vững. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái thương mại điện tử Việt Nam, đặc biệt là vai trò, quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Theo Thu Trang
VOV