A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Định giá đất cần hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp

Nghị định 71 của Chính phủ vừa ban hành, có hiệu lực cùng với Luật Đất đai (sửa đổi) - tạo thuận lợi trong xác định giá đất, kỳ vọng sẽ tháo dỡ hàng loạt vướng mắc liên quan tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm nay.

Có rất nhiều điểm mới trong nghị định này liên quan đến phương pháp thặng dư trong định giá đất; phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất; thẩm quyền quyết định giá; điều chỉnh bảng giá đất đã ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 để áp dụng đến ngày 31.12.2025…

Trong đó, điểm mới quan trọng được nhận định là sẽ giúp tháo “điểm nghẽn” lớn nhất đối với đất đai nhiều năm nay ở tất cả các địa phương trên cả nước trong khâu thuê đơn vị tư vấn để xác định giá đất.

Điểm nghẽn này đang là lý do khiến ở TPHCM hiện có đến 125 dự án bất động sản đang chào thầu trong đó dự án chào thầu không dưới 30 lần mà vẫn không thuê được tư vấn, có dự án đã thuê đơn vị tư vấn nhưng tư vấn đành bỏ cuộc vì phương pháp định giá quá phức tạp, mù mờ…

Tới đây, chắc chắn sẽ không còn những dự án chậm trễ kéo dài chào thầu 30 lần nữa. Bởi Nghị định 71 đã bổ sung quy định đối với trường hợp không lựa chọn được tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất thì giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công có chức năng tư vấn xác định giá đất thực hiện xác định giá đất cụ thể. Hoặc thành lập tổ công tác liên ngành để xác định giá đất.

Điểm mới đáng chú ý nữa là tới đây, quyết định giá đất sẽ do chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện ban hành, không phải thông qua thường trực HĐND như trước. Đây là sự tăng cường phân cấp, phân quyền rất cần thiết, kịp thời nhằm giảm áp lực về khối lượng công việc của UBND cấp tỉnh. Góp phần đẩy nhanh tiến độ định giá đất, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.

Tuy nhiên, mặt trái của sự phân cấp, phân quyền là sẽ có nguy cơ dẫn đến việc sợ trách nhiệm, không dám quyết, chờ đợi, “nhìn sang” các địa phương khác xem họ làm như thế nào… vốn như bệnh mạn tính đang lây lan ở nhiều cấp chính quyền trong thời gian qua. Nên phân cấp, phân quyền mà không có phân trách nhiệm cụ thể thì dễ có nguy cơ tạo ra những “điểm nghẽn” mới!

Nghị định 71 ra đời kỳ vọng sẽ giải phóng những “điểm nghẽn” đất đai để đưa nguồn lực đất đai này vào sản xuất kinh doanh, giúp tăng nguồn thu ngân sách, ổn định đời sống, tạo động lực để cho kinh tế phát triển. Tuy nhiên, việc “tăng nguồn thu ngân sách” cũng phải được người đứng đầu các địa phương tính toán để có sự gia giảm hợp lý, làm sao bảo đảm được sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan