Chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về thị trường cho trái vải
Cùng với việc chuẩn bị điều kiện hạ tầng, nhân lực cho việc kiểm dịch thực vật, công tác chuẩn bị thị trường cho trái vải cũng đã sẵn sàng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Sẵn sàng cho vụ vải thiều 2025
- Ngoài Bắc Giang, trong thời gian tới, nhiều địa phương khác cũng bước vào vụ thu hoạch rộ vải thiều, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có những kế hoạch như thế nào đối với trái vải để chúng ta sớm ổn định về mặt thị trường và giá cả, thưa ông?
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Đối với cây vải thiều, việc thu hoạch có tính chất mùa vụ rất cao, thời gian rất ngắn, chỉ từ 1 - 2 tháng và sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là quả vải tươi. Vì vậy, để đảm bảo về thị trường cũng như giá cả ổn định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động phối hợp cùng với các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể từ sớm, đặc biệt là các hoạt động trong chính vụ như thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.
![]() |
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trò chuyện, đồng thời gợi mở một số giải pháp sản xuất vải thiều hướng đến xuất khẩu tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, chiều 11/5. Ảnh: N.H |
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện hạ tầng thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, đặc biệt là bảo quản quả vải tươi để đảm bảo chúng ta không bị áp lực vào những thời điểm chính vụ. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ hạ tầng và nhân lực trong việc kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cho quả vải tươi, nhằm chuẩn bị cho việc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với chuyên gia của các nước nhập khẩu, các cơ quan hải quan tại nước nhập khẩu để tiến hành các hoạt động tiền kiểm, cũng như mở luồng xanh cho mặt hàng trái vải xuất khẩu.
Bộ cũng phối hợp với các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân các hoạt động kết nối trong tiêu thụ quả vải, kể cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, ưu tiên các thị trường xuất khẩu đòi hỏi yêu cầu cao về kiểm dịch thực vật. Đẩy mạnh thị trường trong nước thông qua các chuỗi siêu thị, sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối khác. Duy trì các đầu mối cũng như đường dây nóng để cung cấp kịp thời thông tin về thị trường và các thông tin cần thiết liên quan cho doanh nghiệp và người dân để chủ động trong thu hoạch cũng như tiêu thụ các sản phẩm vải.
Một vấn đề nữa được cũng bộ đặc biệt chú trọng, đó là phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực tạm trữ thông qua hệ thống kho lạnh, vận chuyển hàng hóa bằng các container lạnh. Cùng với đó, nâng cao quy mô sản phẩm vải chế biến để đa dạng hóa sản phẩm. Từ đó, giảm áp lực tiêu thụ khi trái vải vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
- Ngày 11/5, Bộ trưởng đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về sản xuất và tiêu thụ vải, khảo sát tình hình thực tế tại địa phương, Bộ trưởng có những đánh giá ban đầu như thế nào?
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Qua khảo sát tại vùng vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, tôi rất phấn khởi khi nông dân, doanh nghiệp với sự chỉ đạo và hỗ trợ của chính quyền địa phương đã tạo ra vùng sản xuất gắn với mã số vùng trồng, gắn với kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu ra những thị trường đòi hỏi cao về chất lượng như thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: N.H |
Khi có sự liên kết chặt chẽ trong toàn chuỗi giá trị sẽ giúp làm giảm giá thành, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh. Đây sẽ là hướng đi tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và chuyên nghiệp để hướng tới thị trường không chỉ trong nước mà cả xuất khẩu với yêu cầu ngày càng cao.
Dù vậy, do năng lực của các bên tham gia, những khó khăn về hạ tầng, cơ sở chế biến, bảo quản, hay nguồn vốn, nên một số nơi phải đến mùa vụ thu hoạch mới hình thành các chuỗi liên kết. Do đó, việc xây dựng chuỗi liên kết này chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn. Bởi liên kết càng chặt chẽ thì rủi ro sẽ càng giảm xuống.
Tất nhiên, trong ngắn hạn, chi phí tuân thủ có thể sẽ cao hơn nhưng tính một cách tổng thể và lâu dài khi mối liên kết càng chặt chẽ thì chi phí càng giảm xuống, giá trị gia tăng sản phẩm càng tăng lên và các bên tham gia chuỗi đều được hưởng lợi từ việc tham gia liên kết này.
Đa dạng hóa thị trường để nông sản đi xa hơn
- Mùa hè là mùa của các sản phẩm trái cây, ngoài cây vải còn có nhiều loại trái cây khác, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có những định hướng và chỉ đạo như thế nào khi các loại trái cây cùng vào vụ thu hoạch thì sẽ không để xảy ra tình trạng “giải cứu” hay được mùa rớt giá nông sản?
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Thứ nhất, là nâng cao năng lực dự báo, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, nhất là thời điểm chính vụ.
Thứ hai, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp để mở rộng các cơ sở chế biến, các cơ sở bảo quản, các kho tạm trữ để trong những thời điểm chính vụ, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh việc mua tạm trữ, từ đó, có thể xuất khẩu trong một thời gian dài. Từ đó, giảm áp lực tiêu thụ khi trái cây vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
Thứ ba, việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng hết sức quan trọng. Do đó, thông qua công tác đàm phán, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới có khả năng tiêu thụ nông sản Việt Nam tốt như: Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông,… bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Khi đó, nông sản Việt sẽ giảm bớt rủi ro trong trường hợp biến động hay vướng mắc tại một thị trường nào đó.
Thứ tư, thông tin thị trường, thông tin hỗ trợ người dân là hết sức quan trọng. Do đó, phải duy trì thường xuyên việc cung cấp kịp thời thông tin, cũng như đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các vấn đề liên quan đến kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm là những khâu bắt buộc phải triển khai trong quá trình xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới.
- Để tạo dựng nền sản xuất nông nghiệp cũng như tiêu thụ nông sản một cách bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Để tạo dựng nền sản xuất nông nghiệp cũng như tiêu thụ nông sản một cách bền vững, từ nhiều năm nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc kiểm soát quy hoạch sản xuất, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, kết hợp với việc tăng cường khả năng dự báo để có thể điều chỉnh kịp thời việc tổ chức sản xuất theo nhu cầu và tín hiệu của thị trường.
Bên cạnh đó, ưu tiên, cơ cấu lại sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng giá trị gia tăng, tập trung vào các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao ở tính chất mùa vụ hoặc do vấn đề chất lượng so với các nước khác cũng xuất khẩu nông sản như chúng ta.
Đồng thời, đầu tư cho việc chế biến sâu, cũng như năng lực về tạm trữ nông sản, từ đó, giải quyết các thời điểm mà chúng ta sản lượng lớn trong khi khả năng dung nạp sản phẩm của thị trường trong nước và quốc tế chưa đảm bảo.
Đa dạng hóa thị trường, mở rộng thêm các thị trường mới, trong đó, chú trọng các thị trường có ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Như vậy, chúng ta vừa quảng bá vừa mở rộng thị nông sản Việt Nam ra phạm vi ngày càng rộng lớn trên thị trường thế giới; tham mưu Chính phủ đàm phán các hiệp định thương mại, dỡ bỏ rào cản thuế quan và kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính.
Bộ sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất để tạo ra các chuỗi liên kết từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, xuất khẩu. Một mặt, vừa đảm bảo việc giảm giá thành, mặt khác, vừa đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đây là việc bắt buộc chúng ta phải thực hiện đối với hàng nông sản trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.
Xin cám ơn ông!
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết niên vụ vải thiều 2025 được đánh giá trúng mùa với sản lượng dự kiến 303.000 tấn, tăng 30% so với năm 2024, nhờ thời tiết thuận lợi và kiểm soát tốt sâu bệnh. Thời gian thu hoạch vải thiều ngắn, từ 20/05 đến 25/07, chia thành hai giai đoạn: Vải sớm (20/05-10/06) và chính vụ (10/06-25/07). Công tác chuẩn bị thu hoạch, chế biến và tiêu thụ được triển khai sớm. |