Cân nhắc kéo dài thời gian miễn thuế đối với lĩnh vực phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 12/5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Quang cảnh phiên họp
Về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định thời gian ưu đãi tối đa khi có thu nhập chịu thuế giúp doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư rõ ràng, đồng thời khuyến khích phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, cần quy định thêm về đánh giá hiệu quả ưu đãi thuế theo định kỳ do Chính phủ đánh giá định kỳ hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế, báo cáo Quốc hội để điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá, dự thảo Luật đã bổ sung quy định điều kiện hưởng ưu đãi thuế rõ ràng hơn. Tuy nhiên, theo đại biểu cần có cơ chế kiểm soát hậu kiểm rõ ràng để đảm bảo doanh nghiệp duy trì điều kiện trong suốt thời gian hưởng ưu đãi.
Trên cơ sở đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung tại Điều 18 quy định bắt buộc các doanh nghiệp đang được miễn, giảm thuế hoặc hưởng ưu đãi thuế phải chịu kiểm toán thuế định kỳ từ 3–5 năm/lần. Cũng như bổ sung quyền cho cơ quan thuế thu hồi ưu đãi nếu phát hiện doanh nghiệp không còn đáp ứng điều kiện. Đồng thời, có quy định yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo hàng năm về việc duy trì điều kiện ưu đãi.
Liên quan đến quy định: "Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 3 năm”, đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ cho rằng, quy định thời gian miễn thuế như vậy là ngắn. Bởi, thời gian miễn thuế tối đa là 3 năm có thể không đủ để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp công nghệ cao đạt được lợi nhuận từ hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bởi, các dự án nghiên cứu và phát triển thường mất nhiều năm để hoàn thiện và thương mại hóa. Hơn nữa, dự thảo Luật chưa nêu rõ tiêu chí để xác định thế nào là “sản phẩm công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam” hoặc “sản phẩm sản xuất thử nghiệm”. Điều này có thể dẫn đến tranh cãi hoặc lạm dụng chính sách miễn thuế.
Do đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kéo dài hơn thời gian miễn thuế cho các dự án nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn hoặc thuộc lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chí đánh giá và quy trình xác nhận để đảm bảo tính minh bạch và dễ áp dụng.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là chưa đủ, chưa đảm bảo khuyến khích đầu tư, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số, khoa học công nghệ. Do vậy cần thiết kéo dài thời gian miễn thuế, có thể kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm.
Đối với quy định về trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (Điều 17), đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị việc trích % thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cần linh hoạt hơn, quy định “tối đa 10%” là chưa phù hợp với thực tế đối với từng loại doanh nghiệp, từng ngành nghề hoạt động; cần quy định cho phép các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp được trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là 15% thu nhập tính thuế hàng năm, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp này đầu tư cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.
Liên quan đến quy định chuyển lỗ tại Điều 16, một số đại biểu đề nghị bỏ nội dung: Thời gian được chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ” tại khoản 1, vì Luật Doanh nghiệp không quy định doanh nghiệp bị lỗ mấy năm liên tiếp thì phải tuyên bố phá sản. Nhiều doanh nghiệp dù lỗ đến 5 hoặc 7 năm họ vẫn tiếp tục đầu tư sản xuất, nên luật thuế thu nhập doanh nghiệp không thể quy định cho phép được chuyển lỗ liên tục không quá 5 năm. Cơ quan thuế phải chờ khi nào doanh nghiệp có doanh thu thì họ phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, cần sửa lại là : “1. Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế.”.
Có ý kiến cho rằng, quy định thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ, thực tế đối với doanh nghiệp được hưởng thuế suất 15% hay 17% tùy vào doanh thu từ 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng là chưa phù hợp với thực tế. Để tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn cố tình làm cho doanh nghiệp bị lỗ, lợi dụng chuyển lỗ để giảm thu nhập tính thuế; đồng thời làm cho các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém phải cố gắng phấn đấu cải thiện tỉnh hình kinh doanh, nên điều chỉnh thời gian chuyển lỗ phù hợp. Có như vậy, việc quy định về chuyển lỗ mới thực sự có hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị, đối với doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, cần tăng thời gian chuyển lỗ. Tuy nhiên, tăng thời gian bao nhiêu, như thế nào, cần có nguyên tắc trong luật, sau đó Chính phủ quy định chi tiết tùy giai đoạn cụ thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua, để đảm bảo tính kịp thời.
Cũng tại Phiên họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến rà soát hệ thống chính sách ưu đãi thuế; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; chính sách ưu đãi thuế đối với lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; về các khoản chi phí được trừ; ưu đãi thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập;…