A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người có thu nhập dưới 15 triệu khó tiếp cận nhà ở xã hội

Từng thử hỏi mua nhà ở xã hội nhưng chị Nguyễn Kiều Linh (30 tuổi, ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) cảm thấy nản chí vì các thủ tục, quy định khá khắt khe.

Người có thu nhập dưới 15 triệu khó tiếp cận nhà ở xã hội

Từ 1.8, người lao động có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng sẽ được thuê, mua nhà ở xã hội... Ảnh minh họa: Minh Hạnh.

Chị Linh cho biết, rất khó để tiếp cận được nhà ở xã hội dù thu nhập cả chồng và vợ đều dưới 15 triệu đồng/tháng. Theo nữ nhân viên, ngoài thu nhập, để được xét duyệt mua nhà còn phải đảm bảo rất nhiều yếu tố khác.

“Trước đây khi có nhu cầu tìm mua nhà ở xã hội, người môi giới yêu cầu chúng tôi phải có hộ khẩu ở Hà Nội tối thiểu 5 năm, đóng trước 30% giá trị nhà khi được duyệt và nộp đủ 50% khi bàn giao. Chúng tôi phải chuẩn bị tiền làm hồ sơ nhưng không biết có được duyệt hay không” - chị Linh cho hay.

Gia đình chị Kiều Linh mong ngóng mua được nhà ở xã  hội. Ảnh: NVCC.

Gia đình chị Kiều Linh mong ngóng mua được nhà ở xã hội. Ảnh: NVCC.

Với thu nhập 25 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng, sau khi trừ hết các chi phí sinh hoạt, con cái chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/tháng. Bản thân chị Linh nhẩm tính nếu thu nhập không tăng lên, hai vợ chồng phải trả nợ trong suốt 15 năm nếu mua được căn từ 50m2.

Chị Linh đề xuất đối với Luật Nhà ở 2023, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt hơn quy trình, thủ tục mua nhà ở xã hội. Việc đăng ký và nhận sổ đỏ cần phải diễn ra minh bạch, rõ ràng. Đồng thời nên có nhiều căn hộ diện tích dưới 40m2 hoặc hạ giá để người thu nhập trung bình có nhiều lựa chọn, sẵn sàng mua.

Dù vậy, theo chị Linh, chỉ cần được duyệt mua nhà thành công, chị sẵn sàng vay mượn người thân và ngân hàng. Nữ nhân viên cho rằng số lượng nhà ở xã hội hiện tại cực kỳ thấp, trong khi nhu cầu người mua lớn hơn rất nhiều rất khó được duyệt hồ sơ.

Anh Nguyễn Văn Nguyên (34 tuổi, ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, nếu chỉ dựa vào thu nhập thì sẽ rất khó mua được nhà ở xã hội.

Hiện tại, anh Nguyên cho biết, cả vợ và chồng đều là công chức Nhà nước, sau đợt tăng lương cơ sở vừa rồi, tổng thu nhập cũng chưa quá 23 triệu đồng/tháng. Theo anh Nguyên, dựa vào thu nhập để xét căn cứ mua nhà ở xã hội vẫn còn khá bất cập bởi sẽ không đến được đúng người.

“Nhiều người sẵn sàng thuê người thu nhập thấp đăng ký mua rồi bán lại cho họ" - anh Nguyên nói về đề xuất thêm, thu nhập dưới 15 triệu đồng là gồm tất cả các công việc chứ không riêng công việc chính đang làm. Có như thế theo anh Nguyên mới tránh được tình trạng đầu cơ trục lợi.

Nghị định 100 hướng dẫn một số điều Luật Nhà ở về phát triển, quản lý nhà ở xã hội được Chính phủ ban hành, nới điều kiện về thu nhập với người có nhu cầu thuê, mua loại nhà này.

Theo quy định hiện hành, một trong các điều kiện để hưởng chính sách về nhà ở xã hội là mọi thành viên trong gia đình thu nhập phải thuộc diện thường xuyên không phải nộp thuế thu nhập cá nhân - tức không quá 11 triệu đồng một tháng.

Tuy nhiên, từ 1.8, người lao động có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng sẽ được thuê, mua nhà ở xã hội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan