A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khởi nghiệp với thịt chua, cô gái dân tộc Mường mang về 52 tỷ

Hơn 8.000 điểm bán hàng trên toàn quốc, đạt doanh thu 52 tỷ đồng trong năm 2022 là con số ấn tượng được tạo nên bởi cô gái dân tộc Mường Nguyễn Thị Thu Hoa. Bằng ý chí, quyết tâm chị không chỉ đưa món ăn thịt chua truyền thống của người dân Thanh Sơn, Phú Thọ vươn xa mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động.

Cô gái dân tộc Mường này là một trong những gương mặt xuất sắc được đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022.

Tìm công thức cho món ăn truyền thống

Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Hoa lập gia đình nên chỉ mong có được một công việc ổn định để trang trải cuộc sống. Chị đã tìm kiếm, làm đủ mọi việc nhưng không thấy nghề nào phù hợp. Một ngày chị nhận ra người Mường ở Thanh Sơn (Phú Thọ) quê chị có món thịt chua khá hấp dẫn.

Chị tìm hiểu thì được biết, nguồn gốc ra đời của món ăn độc lạ này là do nhu cầu giữ thịt lâu để dùng dần mỗi khi mổ lợn. Bởi vậy, người Mường nghĩ ra cách muối chua thịt trong ống tre, ống nứa làm "của để dành". Nguyên liệu chế biến thịt chua cũng đơn giản gồm: Thịt lợn mán, thính ngô, thính đỗ, các loại gia vị muối, đường, tỏi, ớt,… sau vài ngày để lên men là có thể ăn được.

Khởi nghiệp với thịt chua, cô gái dân tộc Mường mang về 52 tỷ
Nữ CEO Trường Foods Nguyễn Thị Thu Hoa

“Người Mường quê mình thường ăn thịt kèm với các loại lá như lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh lăng, rau thơm. Khi đó mình đã nghĩ, một món ngon như vậy sao không giới thiệu để nghiều người được biết. Mình quyết định khởi nghiệp với thịt chua, một đặc sản của quê hương”, chị Hoa kể.

Khi đó, việc sản xuất thịt chua mới nhỏ lẻ ở một vài hộ gia đình. Làm thịt chua cũng không có công thức. Bà con làm thịt chua bằng cách áng chừng nên chất lượng không đồng đều lúc đậm, lúc nhạt. Trước thực tế đó, chị Hoa mong muốn tạo ra được công thức sản xuất thịt chua hàng loạt nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng vốn có của mảnh đất Thanh Sơn, Phú Thọ.

Chị Hoa bắt đầu, tìm tòi, thử nghiệm. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng, phải qua rất nhiều lần thử đi thử lại, thậm chí rất nhiều sản phẩm hỏng phải bỏ đi.

Thanh niên nông thôn tham gia cuộc thi về khởi nghiệp
Chị Thu Hoa giới thiệu món ăn thịt chua đến khách hàng

“Với số vốn ban đầu ít ỏi, mỗi lần, mình chỉ mua 1-2 cân thịt để thử nghiệm. Khi có kinh nghiệm, mình dần tăng số lượng thịt lên. Khi gần như đã nắm chắc công thức, mình quyết định mua 15 kg thịt về thử nghiệm. Mình ủ thịt trong thùng xốp, cứ 1,2 giờ đồng hồ lại kiểm tra, căn chỉnh nhiệt. Sau hơn 1 ngày thức canh, vì quá mệt nên mình ngủ quên mất, thịt bị quá nhiệt, hỏng. Nhìn đống thịt hỏng, 4 giờ sáng mình bật khóc tu tu, vừa tiếc của, tiếc tiền, vừa tự trách bản thân”, chị Hoa kể

Xây dựng thương hiệu

Khó nhưng không nản sau nhiều năm cố gắng, chị Hoa đã tìm được công thức sản xuất thịt chua hàng loạt mà không thay đổi chất lượng và mùi vị gốc. Nhờ đó, sản lượng sản xuất đã tăng lên gấp 3 - 4 lần.

Giải quyết được vấn đề công thức, chị Hoa lại phải đối mặt với việc bảo quản sản phẩm. “Nhiều điểm bán hàng phản ánh thịt chua chỉ để được một tuần là đã có biểu hiện bị mốc. Mình lại phải tìm cách giải quyết bài toán bảo quản để đưa đến tay khách hàng sản phẩm chất lượng”, chị Hoa cho biết.

CEO Nguyễn Thị Thu Hoa cùng sản phẩm thịt chua Trường Foods
CEO Nguyễn Thị Thu Hoa cùng sản phẩm thịt chua Trường Foods

Chị Hoa dành thời gian để tìm hiểu cách bảo quản của các sản phẩm khác. Thực tế có nhiều sản phẩm có thể bảo quản được thời gian dài mà không cần chất bảo quản. Cuối cùng, chị đã tìm thấy màng seal - là miếng dán được dùng để lót hoặc làm kín miệng lọ, hộp. Lớp màng seal này được cấu tạo từ nhiều chất liệu khác nhau như: nhôm, PE, PP, giấy đệm... Việc sử dụng màng seal giúp tăng thời gian bảo quản thịt chua lên 2 tháng. Ngoài ra, chị cũng phải mày mò nghiên cứu, tham khảo tài liệu, tự tìm để tạo ra được những loại máy móc phục vụ những công đoạn sản xuất như: Máy trộn, máy thái, máy bổ bì…

Năm 2015, Công ty sản xuất và thương mại Trường Foods do chị Hoa làm Giám đốc chính thức thành lập, có trụ sở chính tại thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn – tỉnh Phú Thọ). Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất, chị đăng ký tem truy xuất nguồn gốc nhằm giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng biết được nguồn gốc, xuất xứ, thành phần và cách sử dụng sản phẩm thịt chua.

Bên cạnh đó, chị Hoa tập trung phát triển kênh phân phối, đến nay chị đã có hơn 8.000 điểm bán thịt chua. Ttrong năm 2022, thịt chua Trường Food dạt doanh thu 52 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Chị Hoa cho biết, khi mới bắt tay vào làm thịt chua, chị chưa từng nghĩ đến việc phát triển, xây dựng thương hiệu cho món ăn. Tuy nhiên, khi làm nhiều, trăn trở, lắm, thịt chua gần như ngấm vào máu, đi đâu, làm gì chị cũng nghĩ đến nó. Vì thế, thịt chua không còn là món ăn của một vùng quê mà đã được người dân cả nước biết đến.

Năm 2022, nữ CEO Trường Foods tham gia chương trình Shark Tank mùa thứ 5, được cả 4 “cá mập” quan tâm và gọi vốn thành công 15 tỷ đồng. Từ đó, thịt chua Trường Foods được đông đảo nhiều người biết đến. Nhờ đó, quy mô, sản lượng của doanh nghiệp tăng lên ấn tượng.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan