A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Startup bán hoa bị dàn "cá mập" Shark Tank Mỹ đồng loạt từ chối: 3 năm sau một người vội vàng rót vốn trở lại, một người hối tiếc vì đã không xuống tiền

"Cá mập" không phải lúc nào cũng nhìn ra những miếng mồi ngon, và điều này đúng với cả các "cá mập" trong bể Shark Tank Mỹ

Xuất hiện trong Shark Tank mùa 5 (2014) là The Bouqs Company, dịch vụ giao hoa trực tuyến trên khắp nước Mỹ, do John Tabis cùng với Juan Pablo Montufar lập ra. Trong khi John nắm trong tay bằng MBA và từng làm việc cho Disney thì Juan lại là một người nông dân trồng hoa đích thực.

Đến với Shark Tank, John Tabis kêu gọi đầu tư 258.000 USD cho 3% cổ phần.

Anh chia sẻ cặp đôi thành lập Bouqs sau nhận thấy quy trình mua hoa tại các cửa hàng bán lẻ khá phức tạp. Họ hướng tới mục tiêu bán hoa trực tiếp từ tay nông dân đến người dùng cuối, cắt bỏ toàn bộ các khâu trung gian.

"Hoa phần lớn có nguồn gốc ở Hoa Kỳ, ngoài ra còn được nhập khẩu từ Ecuador và Colombia, do đó, chuỗi cung ứng trong ngành hoa rất dài và phức tạp. Quá trình bắt đầu từ người nông dân, đến nhà xuất khẩu, đến nhà nhập khẩu, đến người bán buôn, đến các cửa hàng bán lẻ và cuối cùng mới đến tay khách hàng".

Vì Bouqs ship hoa trực tiếp từ phía người nông dân đến khách hàng, nên chi phí cho mỗi bó hoa sẽ rẻ hơn, hoa tươi đẹp hơn trong khi đó người trồng hoa cũng nhận về lợi nhuận tốt hơn. Ngoài ra, khi hoa được ship theo đơn hàng đặt trước, Bouqs chỉ cắt đúng số lượng hoa cần thiết, hạn chế lãng phí cũng như giảm bớt rác thải từ hoa ra môi trường.

Startup bán hoa bị dàn cá mập Shark Tank Mỹ đồng loạt từ chối: 3 năm sau một người vội vàng rót vốn trở lại, một người hối tiếc vì đã không xuống tiền - Ảnh 1.
 

Về mặt giá bán, John cho biết giá bán cố định là 40 USD/bó bất kể đó là hoa gì, và không thu thêm phí giao hàng. Khách có thể trả thêm 10 USD nếu muốn số lượng hoa tăng gấp đôi và 20 USD nếu muốn tăng gấp 3. Nguồn hoa được lấy từ các trang trại canh tác theo xu hướng bền vững của Ecuador, nằm bên cạnh những ngọn núi lửa đang hoạt động.

Bên cạnh dịch vụ giao hoa theo yêu cầu, Bouqs cũng cung cấp gói dịch vụ giao hoa định kỳ hàng tháng hoặc giao hoa vào các dịp đặc biệt trong năm theo lịch có sẵn của khách. Tất nhiên mức giá sản phẩm lúc này sẽ đi kèm chiết khấu thấp hơn.

Nhà sáng lập tiết lộ mất khoảng 5-6 ngày từ khi khách đặt online đến lúc họ nhận hoa.

Về chỉ số tài chính, John cho biết họ bắt đầu startup chỉ với 13.000 USD vay mượn từ người thân, bạn bè. Sau 10 tháng hoạt động, startup tạo ra doanh thu 700.000 USD mà gần như không tốn một đồng nào cho marketing.

Cặp đôi cũng vừa kết thúc vòng gọi vốn trị giá 1,1 triệu USD với mức định giá là 5,2 triệu USD. Họ mong muốn gọi thêm vốn đầu tư từ các "cá mập" để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Startup bán hoa bị dàn cá mập Shark Tank Mỹ đồng loạt từ chối: 3 năm sau một người vội vàng rót vốn trở lại, một người hối tiếc vì đã không xuống tiền - Ảnh 2.
 

Startup bị cả 5 cá mập từ chối

Mặc dù mang những bó hoa tươi đến chương trình và tràn đầy hy vọng, nhà sáng lập John Tabis không được Shark nào trong bể cá mập ủng hộ.

Shark Mark Cuban, tỷ phú duy nhất trong bể, cho rằng startup đã có nhiều nhà đầu tư tham gia và ông không thích điều đó. Ông quyết định không đầu tư.

Shark nữ Lori Greiner thì nhìn nhận mô hình của startup quá dễ bắt chước và các đối thủ cùng ngành có thể làm y như vậy nếu họ thực sự thích ý tưởng của Bouqs. Điều này đồng nghĩa, Bouqs không có lợi thế cạnh tranh rõ rệt và vì lí do đó, cô nhanh chóng rút lui.

Shark Robert Herjavec cũng đồng tình với ý kiến này, chưa kể ông cho rằng khoản vốn hơn 250.000 USD họ muốn kêu gọi sẽ chẳng thấm vào đâu so với con số 1,1 triệu USD các nhà đầu tư trước đó đã rót. Shark Herjavec cũng đưa ra quyết định giống hai bạn cùng bể.

Startup bán hoa bị dàn cá mập Shark Tank Mỹ đồng loạt từ chối: 3 năm sau một người vội vàng rót vốn trở lại, một người hối tiếc vì đã không xuống tiền - Ảnh 3.
 

Trong khi đó, bà trùm bất động sản Mỹ, Shark Barbara Corcoran đánh giá startup có tên gọi quá kỳ cục. "Đó là cái tên khó đánh vần, khó nhớ. Bạn mà đưa tôi bài kiểm tra đánh vần, tôi phải làm 10 lần mới qua được mất. Vì thế tôi không đầu tư".

Cuối cùng chỉ còn lại Shark Kevin O’Leary. Ngoài việc cho rằng startup đang định giá quá cao, ở mức 8,6 triệu USD, ông còn chỉ ra một vấn đề khác đó là người dùng phải chờ đợi 6 ngày mới nhận được hoa. Ông hài hước chia sẻ: "Ví dụ, hôm nay bạn 'ngỏm' chẳng hạn, tôi muốn gửi hoa đến đám tang của bạn. Thế mà tôi lại phải đợi đến tận 6 ngày. Vì lý do đó, tôi không đầu tư".

Kết quả là thương vụ khép lại, John Tabis ra về tay trắng.

Trái ngọt sau bể cá mập

Chia sẻ với CNBC về lần thất bại này, John Tabis cho biết điều quan trọng với một doanh nhân đó là phải mặt dày.

"Hãy sẵn sàng chấp nhận mọi phê bình, chỉ trích. Biến đó thành động lực để tiếp tục gây dựng startup".

Mặc dù không đạt được thỏa thuận với bất kỳ cá mập nào, bệ phóng Shark Tank đã giúp startup phát triển mạnh mẽ. Cặp đôi sáng lập cũng gọi thêm một vòng vốn trị giá 1,7 triệu USD sau khi chương trình lên sóng.

Ngày lễ tình nhân năm 2017, công ty thu về doanh số lên tới 1 triệu USD.

Bất ngờ hơn, cũng trong 2017, tức sau 3 năm tham gia Shark Tank, một trong những cá mập từ chối Bouqs trên sóng truyền hình đã quay lại để rót vốn. Đó là Shark Robert Herjavec. Thời điểm đó, Shark Robert Herjavec đang lên kế hoạch cho đám cưới và cần mua hoa tươi. Tuy nhiên ông bị sốc vì giá hoa tại Mỹ quá đắt. Ngay lập tức, vị cá mập nhớ đến Bouqs và thắc mắc tại sao giá hoa lại đắt đỏ như vậy.

Startup bán hoa bị dàn cá mập Shark Tank Mỹ đồng loạt từ chối: 3 năm sau một người vội vàng rót vốn trở lại, một người hối tiếc vì đã không xuống tiền - Ảnh 4.

Shark Herjavec trong đám cưới với phần hoa tươi trang trí được cung cấp bởi Bouqs.

Lúc này, John Tabis đề nghị cá mập đến tận nơi để trao đổi cụ thể hơn và anh có thể giải thích rõ quy trình đằng sau việc tạo ra những bó hoa tuyệt đẹp. Quá ấn tượng với startup, Shark Hejavec quyết định đầu tư vào Bouqs dù con số không được tiết lộ cụ thể. Cùng với nhau, họ gọi thêm một vòng vốn mới với tổng giá trị lên tới 24 triệu USD.

Năm 2019, startup nhận thêm một vòng vốn khác trị giá 55 triệu USD. Số lượng nhân sự lúc này tăng lên hơn 80 nhân viên và Bouqs đã có văn phòng tại Los Angeles, New York, San Francisco, Dallas Chicago, Washington DC và Miami. Tháng 1/2020, startup huy động được 30 triệu USD từ một nhà đầu tư Nhật Bản. Họ đã sử dụng nguồn vốn này để mở rộng hoạt động sang xứ sở hoa anh đào, nơi người dân chi tiêu khoảng 6 tỷ USD mỗi năm để mua hoa.

Tính đến tháng 4/ 2022, startup vẫn đang ăn nên làm ra với doanh thu trung bình mỗi năm lên tới 59 triệu USD.

Chia sẻ trên ABS, Shark Mark Cuban, sau khi biết được mức độ thành công của Bouqs, đã bày tỏ sự tiếc nuối vì không rót vốn vào startup khi có cơ hội.

"Tôi thật sự tiếc vì tôi đã không làm thế. Đó là startup mà tôi rất thích", tỷ phú Mark Cuban ngậm ngùi thừa nhận.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật